Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà địa sinh học Ross N. Mithchell từ Phòng Khoa học địa chất và hành tinh, Viện Công nghệ California (Mỹ) cho thấy cú nghiêng ngả bất ngờ của Trái Đất xảy ra vào khoảng 84 triệu năm trước, tức giai đoạn cuối của kỷ Phấn Trắng – thời hoàng kim của loài khủng long.
Theo Bussiness Insider, hành tinh đã bất ngờ nghiêng đi tới 12 độ khi một mảng kiến tạo lớn bị chìm xuống, làm thay đổi sự phân bố trọng lượng của hành tinh. Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, vỏ Trái Đất thật ra cấu thành từ rất nhiều mảnh gọi là "mảng kiến tạo". Các mảnh này liên tục vận động trong quá trình "kiến tạo mảng", làm bề mặt Trái Đất liên tục thay đổi. Các mảng kiến tạo có thể va chạm, chui xuống bên dưới nhau, kéo theo các lục địa và đại dương chúng cõng trên lưng cũng thay đổi không ngừng.
Cú nghiêng ngả rồi đứng thẳng lại của Trái Đất thật ra xảy ra trong khoảng thời gian 79-86 triệu năm trước, có vẻ dài nhưng đối với lịch sử hành tinh thì chỉ như một cái chớp mắt. Không phải toàn bộ địa cầu đều bị di chuyển: lõi sắt vẫn đứng yên, trong khi lớp phủ và lớp vỏ quay nhẹ tạo nên trạng thái lệch lạc, làm náo loạn các vĩ độ. Có thể hình dung là cực Bắc từ tính đột ngột rời vị trí của cực Bắc địa lý, sau đó lại chạy ngược về vị trí cũ.
Khi hành tinh tự cân bằng lại trọng lượng, 2 lớp phủ - vỏ cũng lập tức quay ngược trở lại vị trí cũ.
Theo Nature, cú nghiêng ngả nói trên được tiết lộ thông qua dữ liệu cổ từ, chính là những phiến đá cổ hình thành do dung nham giữa 2 phần tiếp giáp mảng kiến tạo nguội đi. Loại đá này chứa các khoáng chất từ tính có kết cấu phù hợp với hướng các cực từ của Trái Đất tại thời điểm đông kết, nên ghi lại được rõ ràng sự thay đổi của trục hành tinh.
Vì hoạt động kiến tạo của Trái Đất vẫn đang tiếp diễn muôn hình vạn trạng, nên các nhà khoa học tin rằng nó sẽ tiếp tục có những cú nghiêng ngả tương tự.