Sớm vận hành quỹ để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam

Quảng bá, xúc tiến là khâu quan trọng nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, mục tiêu của ngành Du lịch là đón từ 17,5 đến 18 triệu khách quốc tế, trong tương lai sẽ vượt qua những nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore... Để mong ước này trở thành hiện thực, khâu quảng bá, xúc tiến, đầu tư cho du lịch cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và mang tính đột phá hơn.

Cầu Vàng tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà ở Đà Nẵng hút khách du lịch.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, đến nay, công tác xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam dù đã đổi mới, chuyên nghiệp hơn trước nhưng vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến mỗi năm của du lịch Việt Nam còn rất khiêm tốn. Để giải quyết được bài toán kinh phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã ra đời từ cuối năm 2018 và có điều lệ hoạt động. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ dành cho xúc tiến du lịch, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và thực hiện các hoạt động truyền thông trong cộng đồng. Đến nay, Tổng cục Du lịch đang tích cực cho việc hình thành bộ máy và con người... để vận hành quỹ sớm nhất.

Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính chia sẻ: Có thể thấy, kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam hạn hẹp quá, trong khi các nước khác chi từ 60 - 100 triệu USD/năm cho công tác này. Nghiên cứu của nhiều chuyên gia quốc tế cho thấy, để thu hút được thêm du khách quốc tế, thu lợi khoảng 1.000 - 5.000 USD/khách phải đầu tư ít nhất là 1 USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Vậy để thực hiện mục tiêu thu hút 20 triệu khách quốc tế năm 2020, ngành Du lịch phải chi ít nhất 20 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến. Điều quan trọng là không chỉ tăng số lượng khách du lịch mà phải quan tâm đến chất lượng du khách, thu hút được các thị trường khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao.

Các nước có bộ máy vận hành, quản lý để sử dụng quỹ hỗ trợ sao cho chuyên nghiệp, hiệu quả nhất. Việt Nam có cơ quan quản lý ở cả cấp trung ương và địa phương cho nên cần phải có chiến lược về quảng bá và marketing. Hội đồng Tư vấn Du lịch hiện đã thu hút được 9 nhà tài trợ đóng góp 45 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Để các doanh nghiệp tin tưởng và đóng góp, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia đưa ra 3 tôn chỉ là tính minh bạch, tính chuyên nghiệp và tính hiệu quả đều phải rất cao.

Nhiều đơn vị du lịch cho rằng: Cần có cách quảng bá, xúc tiến du lịch mới, phù hợp với thực tế, nắm bắt các xu hướng phát triển du lịch trên thế giới và đặc biệt là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Không thể sử dụng các cách làm cũ mà cần hướng tới sử dụng các kênh quảng cáo hiện đại, mạng xã hội, nhân vật, thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt là cần có nội dung quảng bá, xúc tiến chuyên biệt hóa cho từng thị trường cụ thể...

THANH GIANG

Nguồn: Báo CAĐN