Sự thật bất ngờ việc giới trẻ hào hứng vay tiêu dùng

Hiện nay, đa số các cửa hàng điện máy trên toàn quốc đều có chương trình mua trả góp hấp dẫn giúp cho khách hàng có thể thoải mái mua những món đồ cần thiết mà không lo về chi phí.

Theo đó, người mua không cần phải trả toàn bộ chi phí món hàng đó trong một lần. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần thanh toán một phần của món hàng, phần còn lại (bao gồm cả lãi suất) sẽ được thanh toán dần theo kỳ hạn. Tuy nhiên, không phải hình thức mua hàng nào cũng được những người lớn tuổi trong gia đình chấp nhận và để tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn, giới trẻ có cách của riêng họ.

Theo phản ánh của chủ cửa hàng bán điện thoại trên phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, thường những người mua điện thoại trả góp đều mua điện thoại có giá trị nhưng chưa đủ tiền nên họ mua theo hình thức này. Khách hàng mua cũng rất đa dạng nhưng phần đa là các bạn trẻ chạy theo công nghệ.

Để thực hiện việc bán hàng theo hình thức trả góp, cửa hàng thường liên kết với một đơn vị trả góp. Bên đơn vị này hàng tháng có trách nhiệm thu một số tiền từ khách hàng. Tiền đó có thể gồm tiền gốc và cả lãi.

Quảng cáo mua trả góp tại một cửa hàng điện máy. Ảnh Zing

Tùy từng mặt hàng cụ thể, có trường hợp trong 1 năm đầu khách không mất lãi mà chỉ phải trả góp một khoản tiền hàng tháng, nhưng cũng có trường hợp họ sẽ tính lãi sau 6 tháng sau.

"Trong những khách hàng mua hàng tôi gặp, nhất là các bạn trẻ, thường khi mua hàng các bạn sẽ giấu bố mẹ, anh chị em trong gia đình.

Có bạn tâm sự nếu nói chuyện mua điện thoại trả góp thì chắc chắn bố mẹ em sẽ không đồng ý bởi bố mẹ thường lo sợ chúng em bị lừa hoặc không đồng ý với suy nghĩ không có tiền lại đua đòi mua điện thoại.

Vậy nên khi làm việc với cửa hàng và đơn vị trả góp, khách thường chỉ cho số bạn bè để khi đơn vị kia gọi thẩm định, xác minh sẽ không liên quan đến cha, mẹ" -chủ cửa hàng điện thoại kể.

Bạn N.T.M (26 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Bản thân mình trước cũng có mua máy tính trả góp. Ngày đó mình mua chiếc máy tính có giá trị khá lớn, trị giá 30 triệu đồng. Một phần cũng phục vụ cho việc học, phần khác cũng muốn oai với bạn bè nên mình lựa chọn dòng sản phẩm có giá thành cao.

Tất nhiên khi đó mình không thể có số tiền lớn như thế, nếu mình xin bố mẹ tiền chắc bố mẹ cũng không đồng ý cho mua nên mình lựa chọn việc mua bằng hình thức trả góp.

Thủ tục mua trả góp cũng đơn giản, chỉ cần cho bên giao dịch số điện thoại người thân, bạn bè để họ đảm bảo thông tin của mình là chính xác. Để thuận tiện, mình cho số bạn thân và không quên dặn không được nói với gia đình hay bất cứ ai chuyện này.

Khi đó là sinh viên, tiền chủ yếu là bố mẹ gửi, thỉnh thoảng có ông bà cô bác cho hoặc có tiền dạy thêm đều được mình tiết kiệm để trả góp hàng tháng. Tuy nhiên một chiếc máy tính không phải quá nhỏ để có thể giấu được bố mẹ".

Theo lời M kể, khi mẹ biết M có máy tính mới nên liên tục tra hỏi về chiếc máy tính này. Đến khi mẹ biết mua bằng cách trả góp, mẹ đã tức giận và lo lắng M bị lừa, bị đòi nợ vì phải trả lãi hàng tháng. Sau đó mẹ M đã dồn hết tiền để đưa cho M trả, tránh ảnh hưởng tới việc học.

"Bản thân mình nghĩ những vấn đề liên quan đến vay, trả góp hay ngân hàng phụ huynh đều rất dị ứng. Hơn nữa bố mẹ cũng quen bao bọc con cái nên mỗi một món đồ, tài sản mua cho con thường theo sự lựa chọn của bố mẹ mà ít để ý đến cảm xúc của con cái.

Chính vì vậy khi ra ngoài xã hội, xa vòng tay gia đình các bạn trẻ sẽ thường tự khẳng định mình, tự làm theo ý của mình để không chịu sự ép buộc có phần cố chấp của phụ huynh.

Mặc dù những việc làm của phụ huynh đều xuất phát từ tình yêu thương nhưng thời điểm đó không mấy bạn trẻ hiểu ra mà thường khăng khăng làm theo ý mình dẫn đến những mâu thuẫn trong gia đình", M tâm sự.

Nguồn Đất Việt