Sửa từ gốc
Tình trạng lách quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ để bán trái phiếu ra công chúng đã xảy ra từ lâu, quy định mới tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/2/2019 chưa khắc phục hữu hiệu tình trạng này.
Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Ghi nhận ý kiến từ thị trường cho rằng, thời gian hạn chế 1 năm kể từ khi phát hành là quá ngắn, trong thời gian này, tình trạng tài chính của tổ chức phát hành có thể có biến động, các nhà đầu tư cá nhân không đủ thời gian và hiểu biết để lường trước hết các rủi ro có thể xảy ra.
Do đó, Nghị định 63/2018/NĐ-CP nên được sửa đổi theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu, đồng thời loại trái phiếu này chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau, để tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Vụ Tài chính - Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước đây (hiện được thay thế bằng Nghị định 163/2018/NĐ-CP), trái phiếu phát hành riêng lẻ không bị hạn chế giao dịch sau khi phát hành.
Trên cơ sở đánh giá quá trình triển khai Nghị định 90/2011/NĐ-CP, để hạn chế việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn, sau đó giao dịch vượt quá 100 nhà đầu tư và niêm yết, giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, mà không phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn, Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định: trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Sau thời gian này, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác…
Quy định như vậy là đồng bộ với quy định tại Luật Chứng khoán (Khoản 2, Điều 10a) về hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi phát hành riêng lẻ (sau khi phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong bối cảnh nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường còn hạn chế (chỉ bao gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán).
Sẽ quy định trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp...
“Khắc phục tình trạng lách quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ để bán trái phiếu ra công chúng cần phải sửa từ gốc, tức là sửa Luật Chứng khoán hiện hành mới đảm bảo sự đồng bộ. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ quy định tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng phạm vi nhà đầu tư chuyên nghiệp bao gồm cả tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân đầu tư chuyên nghiệp như thông lệ quốc tế.
Theo đó, chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia vào các đợt phát hành, cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trên cơ sở Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua (dự kiến tại kỳ họp cuối năm nay), Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp...”, vị lãnh đạo Vụ Tài chính - Ngân hàng nói.
Ý kiến trái chiều về thời gian công bố thông tin
Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, tối thiểu 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán…
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khoảng thời gian 10 ngày là khá dài và không phù hợp với phát hành riêng lẻ, vì kể từ khi công bố thông tin về đợt phát hành cho đến khi chốt giao dịch có không ít biến động về lãi suất, tài sản đảm bảo…, nên phương án giao dịch cuối cùng có sự khác biệt đáng kể so với bản công bố thông tin cho nhà đầu tư, cũng như gửi đến HNX để công bố ra thị trường.
Từ thực tế này, doanh nghiệp đề xuất sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP theo hướng cho phép tổ chức phát hành công bố điều kiện và điều khoản cơ bản của trái phiếu trên chuyên trang về trái phiếu doanh nghiệp; các điều khoản và điều kiện khác sẽ không công bố trước khi phát hành trái phiếu.
Trước kiến nghị trên, đại diện Vụ Tài chính - Ngân hàng cho hay, theo quy định trước đây tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin tối thiểu cho nhà đầu tư trước 3 ngày diễn ra đợt phát hành. Trong quá trình đánh giá, sửa đổi nghị định này, các ý kiến đều cho rằng, việc doanh nghiệp phát hành công bố thông tin trước 3 ngày là quá ngắn, không có đủ thời gian để nhà đầu tư quyết định việc mua trái phiếu. Nay Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin trước 10 ngày diễn ra đợt phát hành. Thông lệ quốc tế yêu cầu tổ chức phát hành phải công bố thông tin sớm.
Quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã giúp nhà đầu tư chủ động trong đầu tư trái phiếu, đồng thời định hướng doanh nghiệp khi đã ra thị trường để huy động vốn phải tuân thủ thông lệ của thị trường, công bố thông tin theo quy chuẩn của thị trường. Khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp không thể nộp hồ sơ trong 3 ngày mà được xem xét vay, điều này các doanh nghiệp đều đã có thực tế. Do vậy, khi huy động vốn trái phiếu, các doanh nghiệp nên thực hiện công bố thông tin một cách chủ động trong bối cảnh điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành đều được đơn giản hóa.
Không lộ danh tính nhà đầu tư
Liên quan đến công bố thông tin về kết quả phát hành, theo phản ánh của nhà đầu tư, quy định hiện hành buộc công bố thông tin về đối tượng sở hữu trái phiếu trong các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ là không đúng bản chất của hình thức phát hành này, ảnh hưởng đến tính bảo mật thông tin của nhà đầu tư cũng như danh mục đầu tư của họ.
Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, chậm nhất 5 ngày việc kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về kết quả đợt phát hành cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định.
“Đúng là tại Phụ lục 2 này có thông tin về danh sách trái chủ, nhưng theo quy định tại Khoản 2, Điều 29, Nghị định 163/2018/NĐ-CP, thông tin về kết quả phát hành trái phiếu bao gồm thông tin về trái chủ chỉ được công bố cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu khi kết thúc đợt phát hành và gửi cho HNX để tổng hợp, mà không được công bố thông tin rộng rãi”, vị lãnh đạo Vụ Tài chính - Ngân hàng nhấn mạnh.