Áp lực từ nhiều phía
Nói về khoảng thời gian khó khăn khi thất nghiệp ở tuổi 30, Trần Thu Nguyệt (32 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận 1) kể: “Sau khi sinh con đầu lòng, tôi trở lại với công việc, có một vài thay đổi nhân sự và cách làm việc ở bộ phận tôi phụ trách. Đến khi bắt đầu có mâu thuẫn nhỏ với đồng nghiệp, cộng thêm chính sách giảm nhân sự trong tháng tới, cũng không biết có tên mình trong danh sách bị sa thải hay không, tôi đã nộp đơn xin nghỉ. Phần vì đã khá chán công việc hiện tại, phần vì chế độ lương thưởng dậm chân tại chỗ, dù có hơn 3, 4 năm làm việc”.
Sau khi xin nghỉ việc, Nguyệt dành toàn bộ thời gian để chăm sóc gia đình, con cái trong gần 2 tháng. Đến tháng thứ 3, Nguyệt bắt đầu nộp hồ sơ ứng tuyển ở các công ty. Được nhận vào vị trí nhân viên phụ trách sản xuất nội dung TVC quảng cáo, Nguyệt chia sẻ: “Đi xin việc ở tuổi này, không còn sợ yêu cầu kinh nghiệm làm việc thực tế. Chuyện thất nghiệp rồi xin việc ở tuổi 30 cũng giống như dọn từ nơi làm việc này sang nơi khác, mà không chừng công việc sau cho mình cơ hội tốt hơn công việc trước, nên không có gì phải quá sợ”.
Thực tế, có những áp lực vô hình trong cuộc sống, khiến chuyện thất nghiệp ở tuổi 30 luôn là một nỗi ám ảnh lớn. Bởi không ít người tự đặt ra những “chuẩn mực” cho tuổi 30 như: phải có sự nghiệp, thành tựu trong tay; tuổi an cư lạc nghiệp; thất nghiệp là không còn đường làm lại…
Căng thẳng với những áp lực do chính mình đặt ra, sau khi mất việc ở công ty, Lê Thị Trúc Kha (30 tuổi, nhân viên thiết kế, quê Cà Mau, ngụ quận 7) chia sẻ: “Tôi phải tìm việc khác liền. Gần như ngày nào tôi cũng lướt các trang tìm việc online để ứng tuyển”. Áp lực phải có việc làm, không để bản thân thất nghiệp dù chỉ một ngày, Kha chọn đại công việc nhân viên tiếp thị bất động sản không yêu cầu bằng cấp chuyên môn hay kinh nghiệm.
Làm việc trái chuyên ngành để khỏa lấp, Kha nhận ra càng áp lực hơn chuyện thất nghiệp: “Nếu thất nghiệp khoảng 2 tháng thì tôi vẫn có thể sống tốt, vì tôi còn khoản tiết kiệm nhỏ và một vài mối thiết kế bên ngoài để làm lai rai. Nhưng sợ mang tiếng 30 tuổi mà còn thất nghiệp, tôi chọn đại công việc này để làm, không có chuyên môn nên càng làm càng thấy nản. Giờ vừa làm, tôi vừa nộp hồ sơ ứng tuyển vào các công ty thiết kế, để tìm việc đúng chuyên môn”, Kha chia sẻ.
Sẵn sàng đối mặt
Ở tuổi đôi mươi, chuyện khởi nghiệp và thất nghiệp sẽ khiến người trẻ dễ dàng chấp nhận hơn, bởi đây là giai đoạn mới bắt đầu, mọi thứ đều có thể thay đổi và xây dựng lại. Cũng không ít bạn trẻ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những biến cố trong công việc.
Sau nhiều dự án thất bại, công ty sang nhượng cho chủ khác, nhân sự cũng thay đổi hoàn toàn, Nguyễn Bảo Ân (29 tuổi, ngụ quận 8) đành kết thúc công việc đã gắn bó hơn 5 năm. Hơn một tháng rong ruổi du lịch và trải nghiệm trên những cung đường, Ân bắt đầu xin việc ở các công ty mới.
“Lúc biết chuyện tôi thất nghiệp rồi lang thang du lịch, gia đình cũng buồn nhiều lắm. Nhiều người nghĩ thất nghiệp sẽ làm cuộc sống bế tắc vì không có thu nhập mỗi tháng. Nếu áp lực tài chính, có thể tìm ngay công việc mới hoặc làm tạm các công việc phụ khác trước khi có được việc chính thức”, Ân chia sẻ.
Trước khi trở thành một food blogger có tiếng trong lĩnh vực ẩm thực với hơn 35.800 lượt theo dõi trên YouTube, cũng như sở hữu công ty thực phẩm riêng, anh Chánh Trần (ngụ quận 7, TPHCM) cũng trải qua thời gian thất nghiệp. Anh chia sẻ: “Nếu lỡ không may thất nghiệp ở tuổi 30 cũng đừng thấy run, bản thân tôi cũng thất nghiệp từ năm 29 đến 33 tuổi.
Tôi nghĩ, trong khoảng thời gian thất nghiệp, mọi người đừng để bản thân mình ngừng nghỉ một cách quá thụ động, sẽ dễ sinh ra những suy nghĩ tiêu cực. Nếu có điều kiện, nên đi đây đi đó để trải nghiệm sự đa dạng văn hóa - ẩm thực vùng miền. Hoặc tiết kiệm hơn thì đọc sách, nấu ăn và trải nghiệm tại chỗ cũng là cách hay. Tất cả hoạt động đó đều bổ sung nền tảng kiến thức cho chính mình”.
Ông Stephen Ulrich, Giám đốc chương trình của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho biết tại Việt Nam hiện có 1,2 triệu người thất nghiệp, trong đó giới trẻ chiếm tới 48%. Khảo sát đối với một số chủ doanh nghiệp ở Việt Nam của ILO cũng đưa ra những điều thú vị. Trả lời câu hỏi về kỹ năng nào là thứ khó tìm kiếm nhất ở ứng viên, 32% doanh nghiệp trả lời đó là tư duy chiến lược - giải quyết vấn đề, kiến thức chuyên môn đứng thứ 2 với tỷ lệ 27%, xếp tiếp sau là kỹ năng đổi mới và sáng tạo 25%.