Thị trường cần thời gian để bứt phá

Thị trường cần thêm thời gian để có sự bứt phá. Nguồn: Internet.

Thị trường chứng khoán thế giới và châu Á đều diễn biến tích cực trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản vào cuối tuần.

Nhưng thị trường chứng khoán trong nước lại không cho thấy một động lực rõ ràng nào trong khi đó đáy ngắn hạn xung quanh ngưỡng 940-945 đã được tạo lập thành công.

Dòng tiền vẫn "nằm vùng"

Một số thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường như câu chuyện chính thức giao dịch sản phẩm mới CW, lãnh đạo hai nước Mỹ – Trung sẽ đi đến một thỏa thuận đình chiến và việc FED tuyên bố hạ lãi suất đã được đưa liên tiếp trong thời gian này.

Tuy nhiên, tính ổn định của những thông tin này khá kém, dẫn đến sức ảnh hưởng của những thông tin này đến thị trường trong nước bị mất dần. Vấn đề của thị trường chứng khoán Việt được các chuyên gia cho rằng đến từ nội tại.

Động thái bán ròng của khối ngoại vẫn được diễn ra đặc biệt ở những phiên quan trọng, dòng tiền đầu cơ trong nước không có hoặc không hoạt động.

Cũng đưa ra cái nhìn thận trọng, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE), cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ không thể được giải quyết nhanh vì FED, thậm chí Tổng thống Mỹ, đã tuyên bố Mỹ sẽ chiến thắng nếu FED giảm lãi suất.

Tuy nhiên, dù kết quả thế nào thì kinh tế thế giới vẫn sẽ bị tổn thương khi cuộc chiến đã lan rộng ở phạm vi toàn cầu chứ không chỉ còn là Mỹ – Trung Quốc.

Ông Khánh cho rằng dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào các kênh đầu tư trú ẩn như vàng khi giá vàng bất ngờ tăng phi mã, vượt qua mức tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường tiền số cũng dậy sóng khi Bitcoin dễ dàng vượt ngưỡng 1.000 USD.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục suy giảm, cho thấy dòng tiền đổ vào kênh đầu tư an toàn vẫn rất lớn và khiến triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán rất mong manh.

Nhận định về xu hướng dài hạn của thị trường chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh cho rằng thị trường chỉ trở nên tích cực hơn khi dòng tiền quay trở lại, kinh tế thế giới tăng trưởng thực chất và nỗi lo về cuộc chiến tiền tệ giảm đi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường của VietinbankSC, lại cho rằng dòng tiền chỉ đang "nằm vùng" và chưa hề có dấu hiệu rời bỏ thị trường.

Cần thêm thời gian

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội CTCK Yuanta, điểm hỗ trợ tốt nhất để thị trường vượt ra khỏi trạng thái hiện tại là kỳ công bố báo cáo bán niên tới đây. Những con số tăng trưởng đến từ nhóm trụ cột có thể có tác động tích cực đến các chỉ số thị trường.

Đáng chú ý, thanh khoản thị trường đang có dấu hiệu phục hồi và được cải thiện đáng kể kỳ vọng giúp thị trường tạo nên những bước ngoặt mới.

Tuy nhiên, việc hình thành một xu thế tăng rõ ràng hơn rất cần một hoặc vài nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt và điều này chưa xảy ra. Lâu nay, cổ phiếu các nhóm ngành lớn như dịch vụ tài chính, ngân hàng, xây dựng, tiện ích, dầu khí sẽ luân phiên tăng để giữ nhịp thị trường.

Nhưng thực tế thì nhóm cổ phiếu ngân hàng đang định giá ở mức rất thấp nhưng chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy nó sẽ mang đến cơ hội. Nhà đầu tư vẫn e ngại bởi chính sách thắt chặt tín dụng, giảm cho vay tiền mặt tiêu dùng và hạn chế dòng chảy tín dụng vào bất động sản.

Được kỳ vọng nhiều hơn ngân hàng nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí, bất động sản, thủy sản, dệt may… đã có mức giá khá cao, khiến nhiều cổ phiếu không còn hấp dẫn.

Từ những phân tích trên có thể thấy, để thị trường có thể thoát khỏi tình trạng loanh quanh không có sự bứt phá, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thời gian "tích lũy đủ, giá đủ tốt thì tiền sẽ vào".

Theo cập nhật mới nhất của ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, thị trường chứng khoán tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong gần 6 tháng vừa qua. Chỉ số Vn-Index tăng hơn 6% so với cuối năm 2018, quy mô vốn thị trường đạt 4,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% và tương đương 77,9% GDP của năm 2018.

Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự phát triển khả quan, nhất là với sự tham gia của các sản phẩm mới, theo lộ trình sẽ được đưa ra trong tháng 6 và tháng 7, tạo thêm lựa chọn cho nhà đầu tư, thêm công cụ phòng ngừa rủi ro và hoàn thiện cơ cấu thị trường.

Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia vẫn nhận định chính diễn biến vùng hỗ trợ được giữ vững như hiện nay lại là thời điểm thích hợp cho việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư nhưng chỉ là danh mục ngắn hạn.

Trước xu hướng phập phù như hiện nay của thị trường, chiến lược "đánh nhanh, rút gọn" là hợp lý, tận dụng các đợt sóng ngắn của thị trường để tăng cường tìm kiếm lợi nhuận.

Nguồn: Báo Tài Chính