Vựa hoa lớn nhất Hà Nội 'nín thở' chờ Tết

Những ruộng cúc phục vụ dịp Rằm tháng Chạp rực vàng, nông dân thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đấy. Ảnh: Lê Bảo

Mừng ra mặt vì hoa được mùa

Tây Tựu được biết đến là mảnh đất trồng hoa nổi tiếng giữa Thủ đô. Trải qua sự phát triển chóng mặt của quá trình đô thị hóa nhưng mảnh đất này vẫn giữ được nghề trồng hoa truyền thống, làm đẹp cho đời. Từ nhiều năm trước, khi dân số tăng lên, các công trình mọc lên nên diện tích đất canh tác bị thu hẹp, người Tây Tựu đã đi thuê đất để trồng hoa ở nhiều nơi như: Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh…

Có mặt tại đất Tây Tựu những ngày giáp Tết này mới thấy được sự hối hả, bận rộn nhưng đằng sau sự vất vả sớm tối ấy là niềm vui khôn nguôi khi vụ hoa năm nay được đánh giá thắng lợi nhất trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến hàng trăm người trồng hoa Tây Tựu tự tin về vụ hoa thắng lợi là thời tiết thuận lợi.

Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Văn Sâm (người trồng hoa ở Tây Tựu) nói: "Năm nào gia đình tôi cũng dành diện tích đất nhất định để trồng hoa ly bởi thực tế nhiều năm qua, người dân luôn chuộng loại hoa này dịp Tết. Đến thời điểm này, nhìn ruộng ly, tôi khẳng định rằng ly năm nay sẽ nở đúng dịp và bán cũng sẽ được giá".

Ông Sâm cho biết, trong ruộng ly của gia đình, ông luôn biết điều tiết để ly nở cách nhau 5 – 6 ngày thuận tiện cho việc đổ buôn cho thương lái cũng như phục vụ nhu cầu chơi ly sớm, đúng vụ hoặc thậm chí ra Giêng. Ngoài trồng ly, gia đình ông Sâm cũng đã thuê đất tại Đan Phượng để trồng hoa hồng, thược dược, cúc để bán Tết này.

Cũng trong dịp này, nhiều ruộng hoa tại Tây Tựu cũng đã và đang thực hiện việc cắt bán đổ buôn cho tiểu thương. Theo người trồng hoa, các loại hoa cúc, ly, hồng… dịp trước Tết giá khá ổn định, đảm bảo nông dân có lãi đúng với công sức bỏ ra sau nhiều tháng chăm sóc.

Vừa cắt những cành hoa cúc đại vàng rực, bà Nguyễn Thị Loan vừa nói: "Gia đình tôi cũng thuê đất tại Đan Phượng để trồng hồng, cúc, còn riêng 2 sào tại làng canh tác cúc đại để phục vụ dịp Rằm tháng Chạp. Chính vì vậy, dịp này hoa đã bắt đầu cho thu hoạch, cúc nở đến đâu tiểu thương mua đến đấy. Nếu cứ thuận lợi thế này thì Tết này gia đình tôi cũng như nhiều gia đình ở Tây Tựu có một vụ hoa bội thu".

Dựng lều "ăn ngủ" cùng hoa

Ông Nguyễn Văn Sâm cho biết, được sự ủng hộ của thời tiết nên xem đây là một vụ hoa thắng lợi.

Những ngày cuối năm này, đến làng hoa Tây Tựu, người ta dễ bắt gặp nụ cười viên mãn của người dân bởi một vụ hoa hứa hẹn thắng lợi. Nói với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Thư vui mừng cho biết: "Trồng hoa đôi khi như đánh cược với thời tiết, nhưng năm nay là một năm hiếm hoi trời chiều lòng nông dân. Chính vì vậy, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình Tây Tựu đã lên nhiều phương án để bảo vệ ruộng hoa".

Anh Thư nói: "Trồng ly vất vả và đầu tư vốn rất cao, riêng củ giống thôi cũng đã mất 16.000 đồng/củ, dịp này mỗi bó ly (10 gốc) có giá lên đến 300.000 đồng thì phải bảo vệ cẩn thận. Bởi, nếu bị trộm tầm 100 gốc thôi cũng mất vài triệu rồi chứ không ít".

Anh Thư cho biết, cách đây nhiều ngày các gia đình phải dựng lều, thắp điện chiếu sáng để trông giữ hoa suốt ngày đêm. Việc canh gác ruộng hoa chủ yếu vào buổi trưa và ban đêm, bởi đây là thời điểm "nhạy cảm" để kẻ trộm hoạt động.

Theo UBND phường Tây Tựu cho biết, nghề trồng hoa vẫn là nguồn sinh kế của 80% số hộ dân trên địa bàn. Trung bình mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/sào/năm, trồng hoa đã và đang mang lại nguồn thu nhập quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Đầu năm 2017, làng hoa Tây Tựu đã được công nhận là làng nghề truyền thống.

Nghề trồng hoa tại Tây Tựu hình thành từ những năm 1930 nhưng phải đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người dân nơi đây mới bắt đầu tập trung vào nghề này. Nhiều người dân Tây Tựu vẫn nhớ, những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng thí điểm thay cho các loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê... Họ không ngờ hoa lại hợp đất đến thế. Thấy hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng dưa, trồng cà, người dân Tây Tựu đã chuyển đổi sang trồng hoa.

Dù trải qua bao thăng trầm, vụ được vụ mất nhưng người Tây Tựu vẫn gắn bó mật thiết với nghề trồng hoa. Dù thời thế thay đổi, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh chóng nhưng với tình yêu, sự nhiệt huyết của mỗi người dân nơi đây đã và đang khiến làng hoa Tây Tựu ngày càng phát triển. Đến thời điểm này, làng hoa Tây Tựu đã bắt đầu rộn ràng bước vào vụ hoa Tết mới. Hy vọng năm nay, trời chiều lòng người để người nông dân nơi đây có được một vụ hoa bội thu, bõ công bao ngày tháng nâng niu, chăm sóc từng mầm hoa, mang đến cho đời những sắc hoa lung linh trong nắng xuân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường Tây Tựu, tổng diện tích các hộ gia đình đi thuê để làm nghề tại các địa phương lân cận như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Sơn Tây… đến nay lên tới gần 300ha. Con số này xấp xỉ bằng tổng diện tích hiện đang trồng hoa trên địa bàn phường Tây Tựu.

Lê Bảo

Nguồn: Báo GĐ&XH