Vaccine ngăn ngừa các biến thể của Covid-19
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định hiệu quả của vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2. Các hãng dược có thể phát triển vaccine phòng, chống nhiều biến thể khác nhau bằng cách sử dụng khả năng miễn dịch do cả biến thể Omicron và Delta tạo ra.
Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy, việc nhiễm biến thể Omicron sẽ không thể tạo ra khả năng miễn dịch rộng ở người chưa tiêm phòng để phòng, chống các biến thể khác, song có thể làm tăng khả năng miễn dịch đang hoạt động ở những người đã tiêm phòng, từ đó giúp họ phòng, chống tốt hơn đối với các biến thể khác. Các nhà nghiên cứu đã tiêm viris SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện tại Mỹ năm 2020, biến thể Delta, biến thể Omicron vào các con chuột thí nghiệm và lấy huyết thanh để xét nghiệm xem chúng có khả năng chống virus SARS-CoV-2 và các biến thể của virus này là Alpha (lần đầu phát hiện ở Anh), Beta (lần đầu phát hiện ở Nam Phi), Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Ðộ) và Omicron (phát hiện đầu tiên ở Nam Phi).
Nghiên cứu cho thấy, những con chuột nhiễm biến thể Delta có khả năng phòng vệ tốt nhất trước các biến thể khác, trừ biến thể Beta, vốn được cho là có khả năng cao “trốn” được hệ miễn dịch. Trong khi đó, ở những con chuột nhiễm biến thể Omicron thì hệ miễn dịch của chúng chỉ có thể phòng, chống chính biến thể này mà không thể phòng, chống các biến thể khác. Mặt khác, huyết thanh lấy từ những con chuột nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể phòng, chống hiệu quả đối với virus này cũng như với biến thể Alpha và Delta, song không phòng, chống hiệu quả trước biến thể Beta hoặc Omicron. Ðây là một trong những lý do khiến biến thể Omicron đang gây ra số ca mắc Covid-19 cao đột biến ở những người đã tiêm vaccine đầy đủ. Dù vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định, các vaccine ngừa Covid-19 vẫn mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng và gây tử vong.
Sau khi tiến hành nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học sử dụng huyết thanh lấy từ những ca lây nhiễm đột phá (tức vẫn mắc Covid-19 dù đã tiêm phòng đầy đủ) trong các làn sóng dịch do biến thể Delta và Omicron gây ra, để xem mức độ phòng, chống trước virus SARS-CoV-2 cũng như các biến thể khác của virus này. Kết quả cho thấy, huyết thanh của những người lây nhiễm đột phá trong làn sóng dịch Delta có thể vô hiệu hóa hiệu quả đối với mọi biến thể, dù khả năng này đối với biến thể Omicron ở mức thấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận, huyết thanh lấy từ người lây nhiễm đột phá trong làn sóng dịch do biến thể Omicron đã tạo ra sự bảo vệ tốt trước các biến thể.
Với các nghiên cứu nêu trên, các nhà khoa học cho rằng, những người nhiễm biến thể Omicron có thể giúp làm tăng khả năng miễn dịch hiện có, song không tạo ra khả năng phòng, chống đối với các biến thể khác. Trong khi đó, những người nhiễm biến thể Delta có thể tạo ra khả năng miễn dịch rộng lớn. Từ các thử nghiệm này, các nhà khoa học đang nghiên cứu bào chế vaccine ngừa Covid-19 có khả năng phòng, chống nhiều biến thể khác nhau và tăng tính hiệu quả bảo vệ của vaccine trước đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, một nghiên cứu được đăng trên trang news-medical.net đánh giá hiệu quả vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech chống lại biến thể Omicron đã chỉ ra rằng, ba mũi vaccine có thể bảo vệ con người trước biến thể Omicron. Còn kết quả nghiên cứu do Cơ quan An ninh y tế Anh (HSA) mới công bố cho thấy, việc tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19 và một lần nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó sẽ đem lại khả năng bảo vệ lên đến 90% trong hơn 1 năm.
Hiện nhiều nước tiếp tục ghi nhận phần lớn ca nhập viện điều trị tích cực là những người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, vaccine vẫn được coi là “vũ khí” chống Covid-19 hiệu quả nhất hiện nay.
Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/vaccine-ngan-ngua-cac-bien-the-cua-covid-19-683954/