Thủ tướng: Hướng tới nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, nhân ái và linh hoạt

Thủ tướng cho rằng cán bộ ngoại giao cần có tư duy, phương pháp luận để đi vào tìm hiểu chiều sâu các lĩnh vực, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, nhân ái, thủy chung và linh hoạt.

Sáng 15/12, tại Hội nghị Ngoại giao 31, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ đề của hội nghị “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" là “đầy quyết tâm, đầy tính chiến đấu”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm qua tình hình từ hội nghị Ngoại giao 30 (năm 2018) đến nay với bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều diễn biến mới, trong đó có đại dịch Covid-19 diễn ra không theo dự báo đã tác động đến mọi mặt.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị Ngoại giao.

Kết quả của ngành ngoại giao đã được Tổng Bí thư đánh giá trong Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Thủ tướng cho biết thêm, ngành ngoại giao đã nắm chắc tình hình, dự báo chiến lược đối nội, đối ngoại, đây là dấu ấn quan trọng. Ngành ngoại giao góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đất nước ta đảm nhiệm trong các tổ chức quốc tế.

Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao về chiến lược ngoại giao vắc xin. Khi Chính phủ thành lập Tổ ngoại giao vắc xin và giao cho Bộ trưởng Ngoại giao làm Tổ trưởng, thông qua ngoại giao đã đạt được kết quả quan trọng về vắc xin, thiết bị y tế. Hiện Việt Nam là một trong những nước tiêm chủng nhanh nhất thế giới.

Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng, tin tưởng nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Nói về dịch bệnh, Thủ tướng cho biết nước ta đã hình thành được triết lý về chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính: cách ly, xét nghiệm và điều trị; từ đây xây dựng nên công thức chống dịch có hiệu quả. Từ khi kiểm soát dịch bệnh đến nay kinh tế đã có khởi sắc với nhiều điểm tích cực. Ngành ngoại giao đã giúp Chính phủ có điều hành tốt hơn trong ứng phó với dịch bệnh.

Thủ tướng đánh giá cao lực lượng ngoại giao đã trưởng thành hơn về mọi mặt trong tư duy và hành động.

Theo Thủ tướng, để có được những thành tích trên, các cán bộ ngoại giao đã biết cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc chức năng nhiệm vụ quyền hạn; tinh thần đoàn kết thống nhất, truyền thống ngoại giao được phát huy, linh hoạt thích ứng trong điều kiện mới. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành địa phương và bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn nêu ra những băn khoăn, trăn trở mà ngành ngoại giao phải cố gắng nhiều hơn. Ông nêu trong vấn đề nghiên cứu chiến lược, tích lũy cơ sở dữ liệu để có kho tàng toàn diện trên tất cả các mặt của các khu vực trên thế giới; để có thông tin chính xác, phân tích kỹ, đưa ra chính sách chiến lược. Ngoại giao kinh tế phục vụ cho phát triển bền vững vẫn còn khoảng cách. Một số địa bàn có tính chất chiến lược nhưng chưa phát huy được tiềm năng về các mặt hợp tác. Cán bộ ngoại giao của ta rất giỏi nhưng làm việc trong các tổ chức quốc tế còn khiêm tốn...

Trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng chia sẻ, cảm thông với những khó khăn mà cán bộ ngành ngoại giao gặp phải. Thủ tướng nhấn mạnh những khó khăn, thách thức trên cần tập trung giải quyết, không nóng vội, chủ quan, trên tinh thần thận trọng từng bước nhưng cũng không cầu toàn bảo thủ.

Về định hướng cho hai năm tới, Thủ tướng cho rằng cần dự báo, đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được để định hình công tác đối ngoại cho phù hợp.

Lưu ý đến các vấn đề như cạnh tranh chiến lược, tình hình Biển Đông, Thủ tướng cho rằng đây vừa có thách thức vừa có cơ hội nên cách ứng xử, hoạt động ngoại giao thế nào để hóa giải được những thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển.

Về Covid-19, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề toàn cầu nên cần chung tay, chung sức giải quyết. Thủ tướng cũng nhắc tới các vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, cách mạng công nghiệp 4.0, già hóa dân số, khủng hoảng thị trường lao động… Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề cần nắm bắt để có đường lối đối ngoại phục vụ cho mục tiêu quốc gia-dân tộc nhưng vẫn giữ được “tình cảm hòa hiếu, nhân ái” trong quan hệ đối ngoại.

Xây dựng hình ảnh tình cảm, chân thành và tin cậy với bạn bè quốc tế

Với những thành quả của 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại, khẳng định những nền tảng quan trọng, quan điểm cơ bản để phát triển ngành ngoại giao phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc tối thượng, nhân ái, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm “15 chữ”: “Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”; đổi mới tư duy với với lợi ích quốc gia là tối thượng; cương quyết nhưng kiên định, mềm mại, linh hoạt, hiệu quả.

Phân tích 3 trụ cột ngoại giao, Thủ tướng cho rằng, về ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Công tác đối ngoại cần xây dựng hình ảnh tình cảm, chân thành và tin cậy với bạn bè quốc tế và các doanh nghiệp, tuân thủ tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm cho họ hiểu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đáp ứng xu thế của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Về ngoại giao kinh tế, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành ngoại giao cần chú trọng hơn vào cải thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, học tập thêm kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp; tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần cải thiện môi trường đâu tư, thúc đẩy liên kết xuất nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống.

Lễ trao Huân chương và bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Về ngoại giao văn hóa, Thủ tướng cho rằng ngành Ngoại giao cần triển khai những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu, nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, đặt ngoại giao văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, với sự đầu tư về nguồn lực cả về tài chính lẫn con người, đặc biệt là khi dư địa cho công tác ngoại giao văn hóa còn nhiều.

Về xây dựng ngành, Thủ tướng cho rằng cán bộ ngoại giao cần có tư duy, phương pháp luận để đi vào tìm hiểu chiều sâu về các lĩnh vực, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, nhân ái, thủy chung và linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng quật cường và kiên quyết khi cần thiết.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-huong-toi-nen-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-nhan-ai-va-linh-hoat-801355.html