Tìm lời giải cho chuyển đổi số doanh nghiệp

Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020, bên cạnh quan tâm đến xu hướng, công nghệ mới, giúp định hình, kiến tạo tương lai, mỗi doanh nghiệp đều muốn học hỏi những bài học, kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp thực tiễn nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình số của tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng muốn tham gia kết nối vào hệ sinh thái rộng mở của các đơn vị khác. Đó là lý do, ngày hội thường niên FPT Techday 2020 tiếp tục là sự kiện được mong chờ và thu hút.

Thông qua những chia sẻ từ các chuyên gia tư vấn, chuyên gia công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới, đại diện các doanh nghiệp tham dự sự kiện có thể hình dung được bức tranh tương lai thế giới tiếp và tìm thấy lời giải tăng trưởng cho chính doanh nghiệp mình, từ sự kết hợp giữa công nghệ và con người.

Thách thức từ người tiêu dùng thay đổi

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT xác nhận, các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức sinh tử. Chưa bao giờ doanh nghiệp lại đối mặt với người tiêu dùng khó tính đến vậy. Ngày nay người tiêu dùng không còn trung thành với thương hiệu nữa. Họ không muốn chờ đợi. Họ muốn bước ra cửa là có xe, ấn 1 click là có sản phẩm. Chưa bao giờ các doanh nghiệp cần phải hiểu khách hàng đến vậy. Nếu làm họ không hài lòng, họ sẽ không quay trở lại nữa. Cái họ cần là một trải nghiệm trong suốt 1 hành trình tiếp cận với sản phẩm dịch vụ và doanh nghiệp. Các Doanh nghiệp có đáp ứng được khách hàng như vậy không? “Chúng ta phải thay đổi, phải thích nghi. Hoặc là để trào lưu công nghệ cuốn đi hoặc là phải làm chủ để tiếp tục phát triển trong tương lai”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Pankaj Rathi, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Deloitte Đông Nam Á cũng cho biết, khi cả thế giới đang trong đại dịch Covid, 70% các cty hàng đầu thế giới ưu tiên nghiên cứu hành vi người tiêu dùng. 60% tin rằng công nghệ là công cụ cần phải có. 45% cần phải áp dụng mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới. Đồng thời phần lớn khẳng định cần phải tăng tốc đổi mới sáng tạo.

Trong quá khứ lợi thế cạnh tranh thường tập trung vào việc doanh nghiệp đạt được chi phí sản xuất tốt, ghi nhận kết quả kinh doanh tốt. Thời điểm nay, theo ông Pankaj Rathi, lợi thế không còn giới hạn ở chi phí, hiệu quả kinh doanh nữa. Thế giới đã mở và doanh nghiệp cần phải đặt mục tiêu vào nhiều mảng khác nhau trên thị trường. Dù chọn bất kỳ mục tiêu gì, nền tảng cần thiết phải là công nghệ. Hiện tại, có nhiều thay đổi mà các công ty hàng đầu đang hướng tới. Đó là đem lại nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng, là kéo giá bán thấp xuống, là cung cấp thêm cho khách hàng các gói dịch vụ đi kèm. Ở Việt Nam, theo ông Panjak Rathi, sự thành công trong cạnh tranh đang nằm ở 3 yếu tố: tốc độ, linh hoạt và thông minh. Đồng thời, doanh nghiệp phải xác định yếu tố cạnh tranh và thế mạnh của mình; thúc đẩy thế mạnh và tận dụng mạng lưới, đối tác của mình.

Covid-19 xuất hiện càng làm thay đổi mọi thứ. Với diễn biến và những biến đổi lớn lao này, theo ông Panjak Rathi, nguy hiểm nhất cho các công ty không phải là biến động thời cuộc mà là vẫn vận hành theo cách của ngày hôm qua.

Tăng cường chuyển đổi số

Ông Nguyễn Văn Khoa, CEO FPT xác nhận, FPT đã thay đổi rất nhiều so với 1 năm trước. FPT đã chuyển từ quản trị sang chỉ huy, với tất cả các quyết định phải thật nhanh. FPT cũng nâng cao hơn tính tuân thủ. Nhờ vậy, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các dự án của FPT vẫn bàn giao đúng hạn. Trong bán hàng, FPT chủ trương hợp lực và thay đổi mô hình, lập Ban chỉ huy bán hàng chung cho các đơn vị. Tất cả các thông tin được cập nhật tức thì và ra quyết định ngay. Ngoài ra, FPT cũng đã kết nối, quy hoạch lại các nền tảng, giải pháp công nghệ, theo hướng đưa vào sử dụng và kinh doanh ngay những sản hẩm/dịch vụ nào hiệu quả cho công ty, cho khách hàng. Kết quả, FPT trở thành công ty đầu tiên tổ chức thành công đại hội cổ đông trực tuyến giữa tâm dịch Covid 19, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Và 1 công ty sữa của Việt Nam đã sử dụng gói giải pháp này của FPT. FPT cũng đã đưa hoạt động làm việc online trở thành bình thường mới và đã giao việc, quản lý dự án, check in từ xa. Đối với khách hàng, nhiều hoạt động tư vấn, xử lý vấn đề cho khách hàng đã chuyển sang trực tuyến, không cần gặp mặt. Dù vậy, theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Khoa, 98% khách hàng hài lòng với hình thức chăm sóc này. FPT cũng đã tổ chức hơn 500.000 lượt hỗ trợ khách hàng từ xa qua các nền tảng của mình và hơn 500.000 các cuộc họp trực tuyến trên các nền tảng khác nhau.

Đặc biệt, bằng những giải pháp Số hóa quy trình chuẩn và Giao việc tự động (SPro), 50-90% tác vụ đã tự động hóa, trên 85% hoàn thành công việc đúng thời hạn. Quan trọng hơn, kinh doanh của FPT vẫn tăng trưởng, với doanh thu, lợi nhuận năm 2020 dự tăng trưởng trên 10% so với năm 2019. Năng suất lao động toàn FPT cũng dự kiến tăng khoảng 10%.

Rõ ràng, như tính toán của các chuyên gia, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hóa. Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với cơn sóng mới thị trường cũng như nắm chắc cơ hội phục hồi, bứt phá trong thời kỳ bình thường tiếp theo.


Nguồn: Báo NCĐT