Tại Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2019 ngày 10/10, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết mặt bằng lãi suất huy động từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 0,2 – 1,5%. Dự báo trong năm 2020, mặt bằng lãi suất huy động sẽ khó giảm, bởi nhu cầu vốn của các ngân hàng vẫn rất cao.
Lãi suất vượt mốc nhạy cảm
Sau đợt tăng lãi suất huy động trong quý III, một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý IV/2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp (DN) vào cuối năm.
Quan sát trên thị trường cho thấy ngay từ đầu tháng 10, các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất không chỉ ở các kỳ hạn dài, thậm chí kỳ hạn trên 6 tháng cũng được một số nhà băng điều chỉnh tăng cao.
Điển hình, SCB đang huy động lãi suất tiết kiệm 6 tháng ở mức 8,1%/năm, nếu gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất 8,21%/năm khi gửi trên 10 tỷ đồng.
Một số ngân hàng huy động kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất 7%/năm hoặc hơn, như Viet Capital Bank: 7,4%/năm, Vietbank: 7,1%/năm, NCB: 7%/ năm, Techcombank: 6,1 – 7%/năm tùy theo số tiền gửi…
Với kỳ hạn dài từ 12, 18, 24 tháng, các ngân hàng thương mại đang niêm yết ở mức khá cao như Nam A Bank trả lãi 8,5% cuối kỳ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng; Eximbank áp dụng mức 8,4% với các khoản tiền lớn hơn 100 tỷ đồng; LienVietPostBank và Sacombank niêm yết mức lãi 8%/năm dành cho khoản tiền gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, cũng có những ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất trên 8%/ năm, lãi trả cuối kỳ mà không kèm thêm bất cứ điều kiện gì như ABBank (8,3%), NCB (8%), VIB (7,99%)…
Công ty chứng khoán SSI đánh giá việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định, nhưng khả năng giảm trong quý IV là khá thấp.
Lãi suất huy động khó giảm trong thời gian tới
Mặt bằng lãi suất khó giảm
Theo đánh giá của Ts. Cấn Văn Lực, trên thị trường đang xảy ra việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động cục bộ ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, nhưng mặt bằng lãi suất huy động cũng đẩy tăng 0,2 – 1,5% so với cuối năm 2018.
Nguyên nhân là để chuẩn bị dòng vốn cuối năm, đáp ứng lộ trình Basel II và yêu cầu giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ngoài ra, còn vấn đề nữa xảy ra trên diện rộng hơn, đó là các ngân hàng năm nay liên tục phát hành trái phiếu, chủ yếu để huy động vốn cấp 2.
Ông Lực cho rằng thị trường trái phiếu DN tăng trưởng tích cực, các ngân hàng đã chủ động huy động được vốn. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh lớn đã khiến mặt bằng lãi suất huy động tương đối cao, đẩy mặt bằng lãi suất của hệ thống lên mức cao.
Tuy nhiên, điều này cũng không đáng lo ngại do lượng huy động không phải là nhiều. Theo số liệu thống kê, tổng cả khối ngân hàng và DN phát hành khoảng 157.000 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân hàng chiếm 50%.
Theo nhận định của ông Lực, mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, nhờ 3 lý do chính: NHNN đã giảm lãi suất điều hành hỗ trợ cho thanh khoản; hệ thống các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo chung của cơ quan quản lý về ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; đồng thời tín dụng từ đầu năm đến nay đã tăng trên 9%.
“Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng muốn đẩy mạnh hơn tín dụng từ nay đến cuối năm để đạt chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận. Do đó, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất vì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu thực của DN”, ông Lực nói.
Hiện nay, các ngân hàng chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra (NIM) nhỏ hơn trước rất nhiều. Do đó, các ngân hàng phải đa dạng hóa những dịch vụ như tăng cường cho vay bán lẻ, tiêu dùng để bù đắp cho chênh lệch NIM.
Đánh giá về mặt bằng lãi suất huy động đầu năm 2020, ông Lực cho rằng Việt Nam muốn ổn định thị trường tiền tệ, tăng hấp dẫn VND nên sẽ luôn duy trì chênh lệch lãi suất giữa USD với VND ở mức hấp dẫn để hút tiền gửi của người dân.
Ngoài ra, theo quy định từ đầu năm 2020, khoảng 12-15 ngân hàng bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn Basel II, còn lại khoảng hơn 20 ngân hàng khác đến năm 2025 phải thực hiện.
“Câu chuyện huy động vốn trung dài hạn và đáp ứng hệ số CAR không dễ. Do đó, các ngân hàng bắt buộc phải tăng sức hấp dẫn lãi suất để huy động vốn. Đây chính là lý do khiến lãi suất huy động khó giảm trong thời gian tới”, ông Lực khẳng định.