Tranh đắt giá “tự hủy” - trò chơi khăm khiến tranh tăng giá gấp đôi
Nghệ sĩ “mai danh ẩn tích” - Banksy - đã vừa lên tiếng khẳng định rằng anh chính là người đứng sau sự việc bức tranh trị giá 30 tỷ đồng “tự hủy” ngay trong phòng đấu giá. Dù là bức tranh rách, nhưng giá trị của tranh đã tăng… gấp đôi.
Giới nghệ thuật mới đây đã rất sửng sốt khi một bức tranh được thực hiện bởi nghệ sĩ bí ẩn hàng đầu thế giới - Banksy - khi được đem ra bán đấu giá, đúng lúc mức giá cuối cùng được “chốt hạ”, thì bức tranh từ từ tuột khỏi khung tranh, thành những mẩu giấy đã bị cắt, “đu đưa nhè nhẹ”, ngay lập tức người ta phải di chuyển bức tranh ra khỏi phòng đấu giá.
Nhà đấu giá cũng như người mua thành công bức tranh đều rất ngỡ ngàng, hiện hai phía đang cùng ngồi lại bàn bạc để thống nhất về bước hành động tiếp theo.
Trong khi đó, phía nghệ sĩ Banksy - một nghệ sĩ đương đại rất nổi tiếng nhưng không bao giờ để lộ danh tính, diện mạo của mình - đã vừa lên tiếng thông qua tài khoản Instagram chính thức rằng chính anh là người đứng sau việc bức tranh bị cắt trong phòng đấu giá.
Chính Banksy đã là người lắp máy cắt giấy vào trong khung tranh khi bán nó cho một người mua hồi năm 2006 để đề phòng trường hợp sau này tranh mình được mang ra bán đấu giá trên thị trường và bắt đầu trở thành tác phẩm nghệ thuật để “làm giá”.
Bức tranh in khuôn “Cô bé và trái bóng bay” trước đó đã được trả giá 1.042.000 bảng (gần 32 tỷ đồng) tại phòng đấu giá nghệ thuật vào cuối tuần qua ở London (Anh).
Theo tiết lộ hình ảnh trong đoạn clip mà Banksy đăng tải lên tài khoản cá nhân thì dường như chính anh đã có mặt trong đám đông ở phòng đấu giá và sử dụng thiết bị điều khiển từ xa để kích hoạt máy cắt trong khung tranh.
Trong đoạn clip đăng trên mạng xã hội, có thể thấy hình ảnh Banksy (ẩn mặt) lắp máy cắt vào trong khung tranh. Banksy chia sẻ trong clip rằng: “Nhiều năm trước, tôi đã bí mật lắp một chiếc máy cắt vào trong khung tranh để đề phòng tranh mình xuất hiện trên thị trường đấu giá...”.
Trong phòng đấu giá khi xảy ra sự việc, tất cả những người có mặt đều ngỡ ngàng, sửng sốt, không hiểu điều gì đang xảy ra. Phía nhà đấu giá sau đó đã chia sẻ với báo chí rằng họ đã nhận được một “trò đùa khôi hài” từ phía Banksy.
Thời điểm bức tranh của Banksy được chốt giá tại phiên đấu giá
Ngoài ra, trả lời ngắn gọn phỏng vấn của kênh truyền hình Channel 4 (Anh), Banksy đã gửi đi thông điệp rằng: “Nhu cầu hủy tác phẩm cũng là một dạng nhu cầu của sự sáng tạo”.
Hiện tại, giới chuyên gia tin rằng thay vì khiến cho bức tranh bị mất đi giá trị, sự việc lần này sẽ khiến tranh tăng giá lên gấp đôi, bởi câu chuyện này hiện đã được lan truyền, có rất nhiều hứng thú xung quanh tác phẩm, và có hẳn một câu chuyện ly kỳ thú vị để kể về bức tranh bị cắt. Người mua bức tranh là một nhân vật ẩn danh trả giá qua điện thoại.
Bức tranh bị di chuyển khỏi phòng đấu giá sau khi tự động... xé rách
Banksy là một nghệ sĩ bí ẩn, không ai biết danh tính thật hay diện mạo của anh. Mặc dù vậy, các tác phẩm của Banksy từ lâu đã được thế giới nghệ thuật đương đại phương Tây biết đến và đánh giá cao.
Bên cạnh những tác phẩm graffiti thực hiện trên đường phố từng gây tiếng vang, tất cả những hoạt động nghệ thuật khác của Banksy đều được thực hiện đầy bí ẩn, thông qua một đơn vị đại diện giúp đảm bảo sự bí mật cho danh tính của nghệ sĩ.
Nguyên nhân của sự bí ẩn này đã từng được Banksy chia sẻ là để tôn vinh “nghệ thuật tự thân”, một thứ nghệ thuật thực sự được trân trọng vì nghệ thuật thuần túy, không phải vì một tên tuổi nào đã được khẳng định.
Thêm nữa, anh muốn nghệ thuật là để phục vụ đại chúng và hòa nhập, thậm chí biến mất trong đời sống, không phải chỉ để trưng bày lung linh, sang trọng trong những không gian truyền thống như triển lãm, bảo tàng; và rằng nghệ thuật là “vô giá”, không có những mức giá được “xướng lên” cho nghệ thuật.
Với sự việc “cắt tranh” lần này, một lần nữa, nghệ sĩ này đã khẳng định rằng anh không “ham hố” danh tiếng, tiền bạc từ nghệ thuật và luôn luôn muốn sáng tạo nên một thứ nghệ thuật không thể định giá, không cần làm ra tiền, và chỉ để phục vụ công chúng một cách vô tư nhất, không phải để sở hữu và “làm giá”.
Bức tranh vừa được đem đấu giá - “Cô gái và trái bóng bay” - có chữ ký của nghệ sĩ Banksy ở mặt sau và được một người giấu tên mua từ chính Banksy hồi năm 2006, khi ấy, đây chỉ là một thương vụ mua bán nhỏ, mang nhiều tính chất riêng tư.
Nhưng khi người mua định đem tranh ra đấu giá, người này đã xin được xác nhận của đơn vị đại diện Banksy, giúp chứng thực đây là tranh thật của nghệ sĩ. Nó trở thành tác phẩm hiếm hoi của Banksy có thể được mua bán thông qua đấu giá trên thị trường. Buổi đấu giá vừa được tổ chức tại London (Anh) vào cuối tuần này.
Bức graffiti “Girl With Balloon” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Banksy. Ban đầu, tác phẩm nguyên gốc xuất hiện trên bức tường ở phố Great Eastern Street, London, Anh, khắc họa một bé gái đang giơ tay về phía một trái bóng bay hình trái tim.
Cho tới giờ, những gì được biết về Banksy chỉ là: một nghệ sĩ sinh ra ở Bristol (Anh). Phong cách “làm nghệ thuật” của Banksy là xuất hiện bí mật, chớp nhoáng trên đường phố, thực hiện tác phẩm graffiti với phong cách tranh in khuôn rồi biến mất không để lại dấu vết.
Các tác phẩm của Banksy chủ yếu xuất hiện tại Anh. Những mảng tường có tác phẩm của Banksy thường được... gỡ ra để đem triển lãm, trưng bày và... đem bán với mức giá hàng trăm ngàn bảng (tương đương nhiều tỷ đồng).
Theo Dân trí