Triều Tiên thúc đẩy phát triển kinh tế, lấy Việt Nam làm hình mẫu

Triều Tiên đang xúc tiến cải cách nền kinh tế, lấy Việt Nam làm hình mẫu. Theo các nhà quan sát, Triều Tiên có rất nhiều điều đáng để học hỏi từ Việt Nam.  

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên vừa sang thăm Việt Nam để nghiên cứu cải cách nền kinh tế thành công của nước ta.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên vừa sang thăm Việt Nam để nghiên cứu cải cách nền kinh tế thành công của nước ta.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ông Ri Yong-ho mới đây đã hoàn thành một chuyến đi 4 ngày đến Việt Nam để gặp gỡ đối tác. Trong đó, mục tiêu trọng tâm của ông Ri là nghiên cứu nền kinh tế cải cách thành công của Việt Nam, theo Yonhap.

Đầu những năm 1990, Việt Nam và Triều Tiên nghèo như nhau, với GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD hồi năm 2011. Tuy nhiên, kể từ đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 3, trong khi Triều Tiên lại giảm. Sự tăng trưởng đáng chú ý của Việt Nam phần lớn là do chính phủ cải cách nền kinh tế, cho phép thị trường phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đây là một nét đặc trưng của sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ông Kim Jong Un chú ý.

Nếu Triều Tiên quyết định đi theo con đường phát triển kinh tế của Việt Nam, có nghĩa là sẽ dẫn đến toàn cầu hóa.

Nền kinh tế toàn cầu hóa đặc biệt của Việt Nam là kết quả của việc tập trung vào xuất khẩu. Giống như Trung Quốc trước đó, Việt Nam đã mở ra thị trường lao động giá rẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa có chi phí thấp.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng điện tử và may mặc lớn với bạn hàng chủ yếu là Mỹ và Trung Quốc. Để tạo ra những mặt hàng này, Việt Nam nhập khẩu lớn các bộ phận máy móc và tài nguyên thiên nhiên từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nhà kinh tế Marcus Noland, một nhà nghiên cứu hàng đầu về kinh tế Triều Tiên cho rằng, nền kinh tế của Bình Nhưỡng có thể phát triển hơn nếu nó mở cửa cho đầu tư nước ngoài như Việt Nam.

Tiếp giáp với các cường quốc kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc, và ngay phía bên kia biển là Nhật Bản, Triều Tiên có vị trí vô cùng thuận lợi để tận dụng mối quan hệ thương mại với các nước láng giềng giàu có hơn.

Nghiên cứu của Noland cho thấy thương mại tự do hơn sẽ dẫn đến sự mở rộng của các ngành công nghiệp sản xuất và khai thác mỏ, và người dân có thể được cải thiện mức sống.

Nguồn: Theo Dân trí