Truyền thông đen - nỗi lo hiện hữu

Những “tay viết IS”

Nhận lời mời của vài doanh nghiệp lớn kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc của Việt Nam đang gặp khủng hoảng, tôi về Việt Nam xử lý vài vụ việc.

Một loạt trang điện tử, thậm chí diện tạp chí đã rất hăng hái đăng các bài “đánh tiêu cực”, mà điểm chung là chủ yếu đăng các bài về lĩnh vực... xây dựng. Khi một “phóng viên” đến viết bài, ngay lập tức bốn - năm người viết của các tờ khác đến xưng là phóng viên quậy cho doanh nghiệp trở nên mệt mỏi. Cách thức của họ là sẽ có một đại diện của một tờ đánh mạnh nhất và với số lượng bài nhiều nhất vào “làm việc” trước.

Sau đó, nếu thỏa thuận hợp ý các bạn “phóng viên” và “tờ báo” này, thì doanh nghiệp có thể sẽ được buông tha, và cũng có thể vì thế mà các báo khác lại thay nhau vào hành tiếp doanh nghiệp, vì cùng một lý do, và vì... dễ kiếm. Nếu “chưa sắp xếp ổn thỏa”, thì ngay lập tức là sự tấn công ồ ạt của một loạt trang mạng khác.

Có nhiều tay viết bài xong, hẹn giám đốc doanh nghiệp và cho đọc trước bài. Rồi không ngần ngại mặc cả, nếu bài lên thì bao nhiêu tiền, nếu không để bài lên thì bao nhiêu tiền. Khi các trang điện tử này đã đăng, ngay lập tức sẽ có dịch vụ “gỡ bài” được mời chào. Mỗi bài được gỡ sẽ có giá khác nhau, tùy thuộc vào gỡ trên báo nào và tính chất vụ việc là gì.

Minh họa: DAD

Giới đồng nghiệp làm báo gọi những người viết kiểu này là “IS” - khủng bố doanh nghiệp. Một chị bạn tôi hiện đang công tác tại một ban Đảng, có chồng đang là chủ một doanh nghiệp xây dựng, than vãn và cầu cứu khi bị những “tay viết IS” vây quanh. Những trang tin điện tử xưng là “báo” đã thay nhau quần thảo dự án xây dựng của nhà anh chị, phải chi ra cả mấy trăm triệu cũng chưa thể vừa lòng “lực lượng viết IS”.

Các tay viết này có đặc điểm “đi săn theo đàn” và “không bỏ rơi nhau”, với nguyên tắc: lần này bạn mách tôi dự án A, lần tới có dự án B tôi sẽ kéo bạn theo cùng. Và các doanh nghiệp, với những kẽ hở dù bé dù to, sẽ là miếng mồi ngon của các “tay viết IS”.

Chúng tôi, những nhà báo làm nghề lâu năm khi ngồi lại với nhau, đều phải ngán ngẩm về lực lượng tay viết này. Chính những kẻ nhân danh là phóng viên này, cùng với các trang tin làm ăn vô đạo, đã phá hủy danh dự và uy tín của nghề báo.

Người gây ảnh hưởng, và “âm binh”

Trong tiếng Anh, “key opinion leaders” (KOLs), “opinion makers” hay “influencers” đều có ý nghĩa chung là chỉ những người có ảnh hưởng với đám đông. Quan điểm của những người này sẽ định hình suy nghĩ và hành động của một đám đông “hâm mộ” họ. Chân dung của những người ảnh hưởng này khá đa dạng. Họ có thể là nghệ sĩ, nhà báo, hay bác sĩ, quan chức, trí thức độc lập, thậm chí là một bà nội trợ hay “mẹ bỉm sữa” v.v.. Mỗi người ảnh hưởng nhất đối với những nhóm công chúng nhất định. Mỗi status của họ có thể nhận được hàng ngàn lượt yêu thích và chia sẻ.

Với những KOLs có trách nhiệm, mỗi thông tin họ chia sẻ đều có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội. Một mạng lưới những KOLs có thể giúp cho thông tin được lan truyền nhanh chóng đến với số đông đối tượng đích một cách nhanh nhất. Chẳng hạn, trong thiên tai, những KOLs này sẽ góp phần hạn chế sự thiệt hại về người và của cho người dân bằng cách nhanh chóng cung cấp các chỉ dẫn. Hoặc trong các dự án thiện nguyện, những KOLs này sẽ góp phần lan tỏa yêu thương, chung tay vì cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong thực tế truyền thông hiện nay, xuất hiện hiện tượng các KOLs liên minh với nhau để tham gia các ‘trận đánh lớn” (về mặt truyền thông), bất chấp dẫm đạp lên sự thật. Trong làng truyền thông rộ lên câu chuyện có một KOL được trả đến 2 triệu đô để tham gia một chiến dịch bôi bẩn người khác trong một vụ kiện tụng đình đám. Người này rầm rộ đăng tuyển những ai “muốn làm việc nhàn nhã mà kiếm được tiền”, “chỉ cần ngồi ở nhà với một chiếc máy điện thoại hoặc máy tính”.

Năng khiếu đầu tiên và quan trọng nhất để được tuyển là... “biết bịa chuyện”. Khi “hữu sự”, đội quân này sẽ được nhận lệnh tấn công một khổ chủ nào đó nằm trong mục tiêu. Những “máy chửi chạy bằng cơm” sẽ lập tức được huy động vào “trận” để mạt sát đối thủ, đặt chuyện để hạ gục danh dự đối phương v.v.. Đa số những máy chửi này sẽ dùng nick ảo.

Những “tay viết IS” và những “âm binh” của mạng xã hội đang gây khuynh đảo truyền thông. Đây là một nỗi lo hiện hữu đối với việc quản trị xã hội.

Khi công nghệ phát triển, các nick ảo được “nuôi”. Khi bất cứ một chủ đề nào có hại cho đối tượng được bảo vệ của các nhóm này, ngay lập tức máy sẽ dò ra và khoanh vùng các trang đang đề cập đến thân chủ của họ. Lập tức các nhóm này sẽ dùng nick ảo để vào comment áp đảo định hướng dư luận. Những “máy chửi chạy bằng cơm” hay nick ảo kiểu này được gọi là những “âm binh” trên mạng xã hội. Những “âm binh” này sẽ comment định hướng dư luận, hoặc “ăn tươi nuốt sống” con mồi khi hữu sự tấn công. Trong một số trường hợp, tài khoản facebook của khổ chủ có bài viết đó có thể bốc hơi, biến mất khỏi môi trường mạng xã hội.

Hãy thử tưởng tượng, trong các tình huống khẩn cấp quốc gia, nếu những việc làm này bị thao túng thì mức độ rủi ro sẽ lớn thế nào đối với xã hội. Hoặc tình huống những KOLs “mũ đen” sẽ cùng nhau dùng quyền lực của mình để gây ra các tình huống tiêu cực cho xã hội. Pháp luật cần chạm đến những góc cạnh này, để tạo hành lang cho những việc làm tốt và hạn chế những hành vi tiêu cực tiềm tàng.

Chính vì vậy, các nhà quản trị quốc gia cần tính đến các tình huống này. Cần đặc biệt chú ý, quản trị xã hội khác với việc hạn chế tự do ngôn luận. Chúng ta phải đề phòng các tác hại xấu, nhưng khuyến khích sự phát triển của tự do ngôn luận như là một quyền cơ bản của mọi công dân.

Tóm lại, những “tay viết IS” và những “âm binh” của mạng xã hội đang gây khuynh đảo truyền thông. Đây là một nỗi lo hiện hữu đối với việc quản trị xã hội. Những chế tài mới cần được tạo ra để đảm bảo một môi trường truyền thông chuyên nghiệp, trong lành và thiện lương hơn.

Lê Ngọc Sơn (Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)

Nguồn: Báo Người Đô Thị