Vẽ 'chân dung' nông dân

Một nông dân ở Tân Hồng, Đồng Tháp.

Chiến tranh kết thúc, nông dân được canh tác vô tư trên mảnh ruộng của mình, không còn lo sợ bom rơi đạn lạc. Nhưng lúc này cả vùng ĐBSCL đang thử nghiệm mô hình tập đoàn sản xuất, nông dân được tổ chức thành tổ nhóm, ra đồng theo tiếng kẻng, làm việc có chấm công, lúa thu hoạch được chia theo ngày công, tức là ráng phấn đấu để trở thành “công nhân nông nghiệp”. Và chỉ vài năm thôi thì đất đai cỏ mọc um tùm và trong nhà phải nghiêng khạp mới vét đủ gạo cho từng bữa cơm. Vậy là hình hài “công nhân nông nghiệp” xem như không xong!

Rồi “đổi mới” diễn ra, nông dân được “cởi trói” nên tinh thần tự do sáng tạo của họ đã giúp phát huy tối đa hiệu quả sức lao động. Vì vậy, cũng mảnh ruộng đó, con người đó, năm trước còn ăn cháo cầm hơi thì ba tháng sau đã có lúa nuôi gà vịt, và đúng một năm sau Việt Nam trở lại nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo. Bây giờ đi đâu cũng nghe bàn chuyện sản xuất lúa gạo, lãnh đạo các tỉnh thì uy tín lên vùn vụt khi tỉnh nhà chạm mốc sản xuất một triệu tấn lúa. Điển hình nông dân giỏi lúc này phải là những “Chị Hai năm tấn”, tức là người đạt năng suất lúa cao nhất trên một héc ta.

Vậy là nông dân thi nhau tăng vụ tăng năng suất, không phải một năm ba vụ mà là hai năm bảy vụ; Nhà nước thì đào kênh nổi kênh chìm, xây cống đắp đê, khai hoang phục hóa tất cả những vùng trũng phèn mặn. Đến mùa thu hoạch, trong nhà lúa chất lên đụng nóc mà vẫn không đủ chỗ, bèn chất cả ra hai bên đường như dân miền núi xếp đá làm tường rào.

Chẳng bao lâu sau Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Nhưng nông dân lúc này lại không thấy vui chút nào, vì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng ở cuối bảng. Người nông dân làm quần quật cả năm, dù lúa thu hoạch chất đụng nóc nhà, nhưng vợ con khi bị nhức đầu sổ mũi thì phải chạy đi vay nóng vay lạnh mới có tiền trị bệnh. Nhà nước thì cứ đôi ba năm phải chỉ đạo “cả hệ thống chính trị vào cuộc” để cứu nông dân trồng lúa khi bị lũ lụt, hạn mặn hay trúng mùa rớt giá…

Mỗi lần như vậy, người ta đỗ lỗi cho nông dân “làm ăn tự phát”, không biết “liên kết bốn nhà”, không biết lắng nghe “tín hiệu của thị trường”. Nhưng dù có liên kết mấy nhà đi nữa mà khi nông sản dội chợ không ai mua thì mấy nhà kia biến đâu mất biệt, chỉ còn lại nhà nông ngồi trên đống sản phẩm làm ra từ mồ hôi khó nhọc, đành đem đổ sông đổ biển.

Rồi chân dung người nông dân cũng được vẽ lại, không còn chạy theo số lượng nữa, mà phải tập trung vào chiều sâu, vào chất lượng. Hàng loạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP được tập huấn cho nông dân. Nào là nông dân phải biết “bán sản phẩm trước khi trồng”, biết “yêu cầu, thị hiếu” người tiêu dùng trước khi gieo hạt. Lúc này có vẻ như chân dung người nông dân giống na ná một ông giám đốc công ty xuất khẩu nông sản.

Rồi làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 ập đến. Người ta đòi hỏi nông dân phải biết lên mạng tìm kiếm thông tin từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc an toàn, tiêu chuẩn sản phẩm, giá cả thị trường, nhu cầu tiêu thụ, không phải chỉ cho cái chợ quê, cũng không phải chỉ cho dân Việt Nam, mà là cho cả thế giới. Chân dung ông nông dân lúc này chẳng khác gì “lãnh đạo” ngành nông nghiệp.

Có vẻ như bây giờ muốn làm nông dân giỏi thì phải có bốn “nhà” trong một: nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và dĩ nhiên kiêm luôn nhà nông. Rõ ràng nông dân đâu phải siêu nhân! Họ chỉ là một mắt xích trong chuỗi phát triển của xã hội: sản xuất ra lương thực - thực phẩm. Điều này thì nông dân đã làm tốt từ lâu, thậm chí còn sản xuất rất dư dả.

Nhưng, sở dĩ nông dân không thể giàu có được vì họ phải một mình “tả xung hữu đột”, như phải “dự báo” cho được chuyện mưa nắng thất thường, lũ-hạn-mặn xảy ra không còn theo quy luật; rồi lại đoán giá cả thị trường, sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng…

Ngặt một nỗi không có những thông tin đó thì làm sao biết mà chọn giống thích hợp? Làm sao biết bón phân tưới nước ra sao cho chất lượng nông sản vừa lòng “thượng đế”? Chưa nói đến chuyện nghe phong thanh “trúng mùa được giá” thì các mặt hàng từ bao phân, chai thuốc, ký đường đến xà bông, bột giặt đều thi nhau lên giá. Để rồi dù cho lúa bán được hàng chục tấn nhưng thu nhập thực sự chẳng còn bao nhiêu.

Dương Văn Ni

Nguồn: Báo TBKTSG