VN-Index giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng
Sau 2 tuần giao dịch lình xình trong khoảng giá 1.230-1.270 điểm mà không thể bứt phá được, thị trường chứng khoán Việt ngày 22/4 đã có một phiên giảm điểm rất mạnh (-3,2%), đây là phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ phiên 8/2 (-3,9%).
Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường với 365 mã đỏ cùng với 58 mã “lau sàn”. Khắp các nhóm ngành đều ghi nhận một phiên giảm mạnh. Ảnh hưởng nặng nề nhất là những nhóm ngành thị trường như: chứng khoán, bất động sản và dầu khí. Nhóm chứng khoán SSI, SHS, MBS và CTS đồng loạt giảm sàn, trong khi đó, nhóm bất động sản với những cái tên như VRE, SCR, CEO, ITA… cũng chung cái kết tương tự Basis của thị trường phái sinh và chỉ số cơ sở vẫn ở mức khá cao, từ -8 đến -10 cho thấy nhà đầu tư tạm thời chưa đặt cược nhiều vào triển vọng ngắn hạn của VN-Index.
Thanh khoản giao dịch vẫn ở mức cao và đặc biệt tăng mạnh trong phiên chiều khi sự hoảng loạn xảy ra trên toàn thị trường. Giá trị giao dịch trên HSX ngày 22/4 đạt 20.663 tỷ, tương ứng với 770,37 triệu cổ phiếu được “trao tay”.
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (VNCSI), phiên giảm điểm ngày 22/4 là do nhiều yếu tố. Thứ nhất là VN-Index ảnh hưởng từ phiên giảm mạnh ngày 21/4 của chứng khoán thế giới. Thứ hai là thông tin về các trường hợp nhập cảnh trái phép từ các vùng dịch vào Việt Nam có thể làm dấy lên khả năng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Và yếu tố thứ ba đến từ nội tại của thị trường, khi mà nhóm trụ không thể tiếp tục thay nhau nâng đỡ thị trường thì hệ quả tất yếu VN-Index “rơi”là điều dễ hiểu. Nỗ lực của hai tuần tăng điểm đã hoàn toàn bị xóa sạch trong phiên 22/4.
“Xu hướng tăng trong ngắn hạn đang ở trong trạng thái cực kỳ báo động và VN-Index cần hồi phục mạnh trong phiên giao dịch ngày mai để có thể lấy lại được tâm lý tích cực cho toàn thị trường. Chúng tôi tạm thời khuyến nghị nhà đầu tư tạm ngưng các vị thế mua mới, đứng ngoài quan sát và chờ đợi các tín hiệu mới của thị trường”, chuyên gia của VNCSI nêu quan điểm.
Rủi ro đảo chiều của thị trường đang ở mức cao
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với việc thị trường đóng cửa ở dưới ngưỡng 1.250 điểm nên trên khía cạnh sóng elliot thì xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 lên ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) là thấp hơn so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Do đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 23/4, thị trường có thể tiếp tục giảm điểm về các ngưỡng thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
“Nhà đầu tư trung hạn mua vào trước Tết trong các phiên 28/1- 2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời trong tuần trước nên đứng ngoài quan sát thị trường. Những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trong thời gian tới có thể áp dụng chiến lược trailing stop theo đường trung bình 20 ngày hiện quanh ngưỡng 1.225 điểm, nếu thủng ngưỡng này thì nên bán ra”, chuyên gia của SHS khuyến nghị.
Theo quan điểm kỹ thuật của các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), VN-Index có phiên giảm điểm mạnh trở lại trong khi khối lượng giao dịch giữ trên mức bình quân 20 phiên, hàm ý áp lực chốt lời khá mạnh. Mặc dù chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên MA20 cho thấy chỉ số đang trong xu hướng tăng ngắn hạn nhưng với mô hình nến đảo chiều Evening Star được xác nhận sau phiên giảm 22/4 thì rủi ro thay đổi xu hướng tăng hiện tại đang tăng cao.
“Các chỉ báo kỹ thuật khác cũng đang trở nên tiêu cực, với MACD cắt xuống Signal cho tín hiệu bán và RSI hướng xuống vùng 52 cho thấy áp lực điều chỉnh đang tăng lên, chỉ số có thể chịu sức ép giảm về vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm nếu không giữ được trên MA20 trong những phiên tới”, PHS phân tích.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm điểm cắt xuống dưới MA20, kèm theo khối lượng giao dịch gia tăng cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn đang quay trở lại, chỉ số có thể chịu sức ép về vùng đỉnh cũ quanh 280 điểm.
“Rủi ro đảo chiều xu hướng tăng điểm của thị trường đang ở mức cao. Do đó, nhà đầu tư nên giữ danh mục ở tỷ trọng hợp lý nhằm hạn chế rủi ro bất ngờ từ thị trường”, chuyên gia của PHS nhận định.
VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm
Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, cây nến đỏ dài với giá đóng cửa thấp nhất phiên xuất hiện trong phiên 22/4 đang tạo ra mẫu hình nến đảo chiều “Evening Doji Star”. Nếu mẫu hình trên hoàn thiện, thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn với vùng hỗ trợ gần nằm tại 1.185-1.210 điểm. Tuy vậy, “thị trường có thể xuất hiện các nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật đan xen trong quá trình giảm điểm”.
Theo chuyên gia của BVSC, thị trường đang đối mặt với rủi ro bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn. VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm trong những phiên kế tiếp. Tuy vậy, thị trường có thể xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật đan xen trong quá trình giảm điểm.
“Áp lực chốt lời của dòng tiền nội và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của HOSE-Index sẽ tạo ra ảnh hưởng không mấy tích cực lên diễn biến thị trường chung trong giai đoạn hiện tại. Do đó, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống mức 20-35% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung hạn. Các nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục”, ông Trần Xuân Bách khuyến nghị./.