VN-Index khả năng vẫn tiếp tục rung lắc để tích lũy nền giá mới
Giới phân tích dự báo thị trường sẽ khó có thể bứt phá trong ngắn hạn và khả năng nghiêng về giằng co, tích lũy nhiều hơn để chờ thời cơ bứt phát trở lại.
(Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần thứ hai phục hồi liên tiếp, VN-Index tăng tổng cộng 29,4 điểm (+2%), lên 1.498,5 điểm với ba phiên tăng điểm và hai phiên điều chỉnh giảm, lần lượt chạm mức cao nhất 1.513,9 điểm và mức thấp nhất 1.474,38 điểm.
Tương tự, HNX-Index cũng cộng thêm 10,54 điểm (+2,3%) và đóng cửa phiên cuối tuần tại mức 461,75 điểm.
Các nhóm ngành tăng trưởng tốt
Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), điểm tích cực trong tuần là thanh khoản trên thị trường có sự cải thiện. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường gia tăng. Theo đó, gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng tốt trong tuần qua.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp tăng mạnh nhất với 4,2% giá trị vốn hóa, nhờ sự xuất sắc của các mã vật liệu và xây dựng, như BMP (+4,4%), BTS (+5,7%), CII (+6,5%), CTD (+5,5%), CTR (+5,5%), DPG (+2,8%), FCN (+2%), HBC (+4,7%), HT1 (+4,2%)... và các mã thuộc ngành cảng biển và kho bãi, như GMD (+1,7%), HAH (+5,1%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng với mức tăng 3,8% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu MSN (+7,1%), SAB (+4%)... Bên cạnh đó, nhóm nguyên vật liệu cũng tăng khá tốt 3,5%, nhờ sự xuất sắc của các cổ phiếu thuộc ngành hóa chất, như DGC (+19%), DPM (+16,3%), DCM (+9,9%), CSV (+12,7%)...
Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng
Cùng chung xu hướng đi lên, giá trị vốn hóa các nhóm ngành tài chính (+3%), dược phẩm và y tế (+2,9%), dịch vụ tiêu dùng (+2,2%), tiện ích cộng đồng (+1,7%), công nghệ thông tin (+0,6%). Song ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ 0,3% giá trị vốn hóa, trong đó các mã VCB (-2%), CTG (-1,8%), BID (-1%), MBB (-0,9%), ACB (-0,3%)...
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên gia phân tích tại SHS cho biết thị trường chứng khoán có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt bằng một thỏa thuận trên bàn đàm phán. Thêm vào đó, giá dầu thế giới trong tuần qua cũng biến động mạnh và ghi nhận sự điều chỉnh giảm về cuối tuần sau khi EU ra quyết định không cấm vận dầu Nga.
Giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm
Thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua được cải thiện cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường nhưng sự thận trọng đã xuất hiện khi thị trường vượt ngưỡng tâm lý trên. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển vị thế sang mua ròng với giá trị ròng 2.500 tỷ đồng (tương ứng 40 triệu cổ phiếu) trên sàn HoSE. Ngoài ra, khối ngoại bán ròng với giá trị 34 tỷ đồng (tương ứng 920.000 cổ phiếu) tại sàn HNX.
“Về cơ bản, tình hình trên thế giới trong tuần qua không có diễn biến mới, tuy nhiên giới đầu tư vẫn khá thận trong và đang tiếp tục quan sát tình hình chiến sự tại Ukraine, cộng thêm những lo ngại về lạm phát gia tăng,” ông Thắng nói.
Theo phân tích kỹ thuật, ông Thắng chỉ ra thị trường tăng mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 21/3), sau đó là bốn phiên liên tiếp giằng co quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm của VN-Index đồng thời kết tuần ở ngay dưới ngưỡng này.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Thắng cho rằng thị trường sẽ khó có thể bứt phá trong ngắn hạn và khả năng nghiêng về về giằng co, tích lũy nhiều hơn. Tuần giao dịch ngày 28/3-1/4, VN-Index có thể sẽ rung lắc với biên độ trong khoảng 1.480-1.520 điểm để tích lũy nền giá mới và chờ thời cơ bứt phát trở lại.
“Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường kiểm chứng tại vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm của VN-Index (trong phiên ngày 14/3 và 15/3) có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lãi nếu chỉ số tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 1.520 điểm. Và, quyết định mua thêm chỉ hợp lý nếu thị trường có nhịp giảm mạnh về vùng hỗ trợ trên một lần nữa,” ông Thắng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán MBS cho rằng trong phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index chưa thể lấy lại ngưỡng tâm lý 1500 điểm nhưng vẫn dao động trên vùng hỗ trợ 1.485-1.495 điểm.
“Do đó, nếu thị trường đi ngang kéo dài như hiện tại, đây chỉ là cơ hội của một vài nhóm ngành, còn nhìn chung để có xu hướng mới phải cần những thông tin đủ mạnh để tạo ra sự biến chuyển của dòng tiền. Tuần tới, nhà đầu tư có thể tiếp tục lưu ý đến nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh quý 1 khả quan nhờ được hưởng lợi từ giá hàng hóa cơ bản, như thép, thủy sản, dệt may, gạo, phân bón,…” báo cáo của MBS khuyến nghị./.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/vnindex-kha-nang-van-tiep-tuc-rung-lac-de-tich-luy-nen-gia-moi/780297.vnp