Vốn ngoại vẫn nhắm đến ngân hàng nội

Mới đây, ông Han Chang-woo, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Maruhan (Nhật Bản) bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt là Oceanbank. Một ngân hàng lớn khác của Nhật Bản là J.Trust muốn tham gia mua lại CBBank. Tập đoàn Clermont (Singapore) cũng muốn tham gia tái cấu trúc CBBank. GPBank được nhà đầu tư ngoại đàm phán mua lại.

Không phải đến bây giờ 3 ngân hàng trên mới là đích nhắm của các nhà đầu tư ngoại. Trước đó, nhiều thương vụ mua lại các ngân hàng này đã đi vào vòng đàm phán cuối cùng, nhưng thất bại do những quy định sở hữu ngân hàng Việt còn nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, như UOB muốn mua lại 100% vốn của GPBank.

Tại buổi tiếp lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính Hàn Quốc, tập đoàn Hyundai, Samsung tại Seoul (Hàn Quốc) mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tới đây, Chính phủ Việt Nam chủ trương không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng Việt Nam, thậm chí sở hữu 100% vốn ngân hàng yếu.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoản Bảo Việt (BVCS), hiện không còn nhiều ngân hàng còn nguyên room ngoại. HDBank, VPBank, Techcombank đã bán cổ phần thành công cho các tổ chức quốc tế, thu về hàng trăm triệu USD. ACB nhanh chóng tìm được đối tác mới khi nhóm Alp Asia Finance Limited nhận chuyển nhượng lại và chính thức trở thành cổ đông lớn với gần 10% vốn ACB.

Ngoài ra, OCB, Nam A Bank có nhu cầu hút thêm vốn ngoại trước khi niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) năm nay, khi room ngoại của các ngân hàng còn nguyên 30%. BIDV đã xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana với 17,65% vốn điều lệ. VIB, với room ngoại còn khoảng 10%, cũng tính chuyện thu hút thêm vốn ngoại trong kế hoạch tăng vốn tới đây.

Một số ngân hàng còn nguyên room ngoại như Sacombank, SCB, SeABank, Dong A Bank, Bac A Bank, VietCapitalBank, MSB, KienLongBank, Nam A Bank, NCB, VietBank..., song đang trong giai đoạn tái cơ cấu và hứa hẹn sẽ gọi thêm vốn ngoại sau này.

Hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào ngân hàng nội. Ví như MUFG (Nhật Bản), đối tác chiến lược của VietinBank mong muốn được rót thêm vốn, tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này.

Trong khi đó, trong bối cảnh các ngân hàng nội, kể cả những ông lớn như VietinBank, BIDV đang phải đối mặt với áp lực tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II, họ cũng mong muốn được nới room ngoại lên mức tối đa 40-45%. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể nới room ngoại từ 30% lên 49%, tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng tăng huy động vốn theo chuẩn Basel II.

Ông Masataka "Sam" Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation nhận định, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới, do hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước đã được cải thiện đáng kể và quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuẩn mực vốn theo Hiệp định Basel II được áp dụng từ năm 2020.

Theo Vân Linhbaodautu.vn

Nguồn: Báo ĐTCK