Trong hội nghị tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH Hội xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Công ty Sách Thái Hà - đưa ra tham luận về xuất bản thế giới và tình hình ngành sách Việt Nam hiện nay.
Những xu hướng phổ biến của xuất bản thế giới
Xuất bản toàn cầu sẽ dự kiến đạt mốc doanh thu khoảng 356 tỷ USD vào năm 2022.
Xu hướng xuất bản ngày càng phổ biến là phương thức POD, tức chỉ in sách sau khi nhận được đơn đặt hàng.
Bối cảnh xuất bản và hành vi đọc của độc giả đã yêu cầu cần xuất bản nội dung nhanh chóng hơn và trong thời gian quay vòng ít hơn. Điều này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể về thời gian và tiền bạc.
Số lượng tác giả độc lập và tự xuất bản đang tăng lên đáng kể (các tác giả tự do quyết định khi nào ra mắt sách và cách thức xuất bản; tác phẩm gốc sẽ không bị sửa đổi bởi các biên tập viên. Các tác giả không cần công ty, chỉ cần đăng ký ISBN với tư cách cá nhân là có thể tự xuất bản).
Phương thức xuất bản trên thế giới hiện nay đã thay đổi nhiều. Có 10 cách phổ biến trên thế giới để xuất bản một cuốn sách: Thông qua đại diện bản quyền hoặc nhà xuất bản; thông qua nhà xuất bản; thông qua một dự án đặt hàng; tự xuất bản qua Amazon; xuất bản qua một nhà xuất bản chuyên làm sách điện tử; Xuất bản qua APub, chi nhánh của Amazon; xuất bản thông qua một công ty in/thiết kế; tự xuất bản rồi sau đó phát hành qua kênh truyền thống; gây quỹ tài trợ cho việc xuất bản; Xuất bản trên các nền tảng mạng xã hội.
Mỹ - thị trường xuất bản lớn của thế giới
Theo thống kê về xuất bản của worldatlats, trong năm 2015, doanh số thị trường xuất bản Mỹ đạt 27,8 tỷ USD, gần bằng tổng doanh số của 9 thị trường xuất bản trong Top 10 thế giới. Tổng số sách tiêu thụ đạt gần 2 tỷ bản.
Tuy có xu hướng giảm đều trong giai đoạn 5 năm 2014-2018, năm 2018, ngành xuất bản Mỹ vẫn đạt doanh số 25,82 tỷ USD, tổng số sách tiêu thụ đạt gần 2,71 tỷ bản. Trong đó, doanh thu từ sách thương mại đạt 16,19 tỷ USD, tăng 1.5% so với năm 2017.
Kể từ năm 2014 đến nay, doanh thu từ sách thương mại tại Mỹ đã tăng khoảng 760 triệu USD. Năm 2018 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp doanh số bán sách qua các kênh bán lẻ trực tuyến cao hơn so với các kênh bán lẻ truyền thống, đạt lần lượt là 8,03 tỷ USD và 6,9 tỷ USD.
Năm 2018 Audiobook của Mỹ vẫn tăng trưởng cao nhất, 940 triệu USD với 44.685 đầu sách nói được xuất bản, tăng trưởng doanh thu 28,7% so với năm 2017 và tăng trưởng doanh thu 181,8% trong 5 năm qua (2014 - 2018). Khảo sát của Hiệp hội Xuất bản Âm thanh Mỹ cho thấy năm 2018 thì 44% người Mỹ trưởng thành nghe ít nhất 1 cuốn sách nói/năm.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của việc tự xuất bản tại Mỹ tăng 300%.
Audiobooks cũng tăng trưởng mạnh trong báo cáo của Hội xuất bản Anh, doanh thu từ Audiobook tăng 49% trong năm 2018 đạt 69 triệu bảng. Doanh số sách điện tử tiếp tục tăng (tăng 3%) so với mức giảm doanh số đến từ sách giấy (5%).
Xuất bản tại Nhật Bản - nơi có văn hóa đọc phát triển
Ngành xuất bản Nhật Bản luôn khẳng định vị thế hàng đầu tại châu Á. Là một thị trường lâu đời, phát triển tập trung có định hướng, Nhật Bản đưa ảnh hưởng của manga, comic ra toàn thế giới.
Có khoảng 3.361 NXB tại Nhật. Trong khi đó số nhà bán buôn có chưa đến 40 nhà, vai trò của họ là phân phối thương mại ấn phẩm. Họ cũng cung cấp và phân tích thông tin hỗ trợ các hiệu sách trong việc trưng bày kinh doanh sách. Nhật có khoảng hơn 13.500 hiệu sách.
Đất nước mặt trời mọc cũng có quỹ hỗ trợ dịch thuật hoặc xuất bản các tác phẩm về các chủ đề: Nhân văn, khoa học xã hội và nghệ thuật, xuất bản sách giới thiệu văn hóa Nhật Bản bằng tiếng nước ngoài.
Năm 2018, ngành xuất bản Nhật có 71.661 đầu sách mới, 2.821 đầu tạp chí, lần lượt tăng 1.9% và 2.6%, tổng số sách và tạp chí đang được lưu thông trên thị trường lần lượt là 942 triệu cuốn và 1,835 tỷ cuốn. Số lượng sách bán được là 572 triệu cuốn, tương đương doanh thu là 7 tỷ USD. Con số tăng trưởng ngành xuất bản là 2,3% và lợi nhuận đạt được tăng 36,3% so với cùng kì năm 2017.
Số lượng tạp chí bán được là 1.060.000.000 cuốn, tương đương doanh số là 5,9 tỷ USD, tăng 9,4% và lợi nhuận đạt được tăng 43,7% so với cùng kì năm 2017.
Những năm gần đây thị trường xuất bản Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng với cuộc cách mạng số và thói quen đọc sách của người dân dần thay đổi, sách in và sách điện tử (ebook) có nhiều khác biệt. Năm 2014 được xem là năm “huy hoàng” của sách in đạt doanh số cao nhất là 16 tỷ USD còn sách điện tử khá khiêm tốn là 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên sách in giảm từ 2015 tới nay và năm 2018 giảm thấp nhất còn 12,9 tỷ USD, trong khi đó sách điện tử lại tăng mạnh là 2,4 tỷ.
Xuất bản tại khu vực Đông Nam Á
Xuất bản khu vực Đông Nam Á có nhiều thay đổi trong những năm qua.
Ở Indonesia có trên 3.000 NXB. Năm 2014 tổng số đầu sách mới được xuất bản là 44.327 đầu sách, gần gấp đôi số đầu sách mới được xuất bản năm 2012.
Sau khi trở thành khách mời danh dự tại hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2015, có 1.500 đầu sách Indonesia đã được bán bản quyền ra các ngôn ngữ khác, các tác giả trở thành tác giả quốc tế. Họ thành lập Ủy ban sách quốc gia, nhiệm vụ mới của ủy ban này là phải bán được nhiều bản quyền sách ra thế giới.
Chính phủ có quỹ cho việc dịch sách Indonesia ra các ngôn ngữ khác và có những khoản ngân quỹ tài trợ cho việc đưa các tác giả ra nước ngoài diễn thuyết.
Ở Malaysia, đất nước có 33 triệu dân, doanh thu ngành xuất bản là 240 triệu USD. Theo tiêu chuẩn của UNESCO, GDP của ngành xuất bản phải chiếm 0,1% cả nước (30.000 đầu sách được xuất bản) nhưng thực tế tại Malaysia chỉ đạt con số 18.000. Cả đất nước Malaysia có 400 NXB.
Tỉ lệ đọc sách ở Malaysia thay đổi nhanh. Năm 2010 tỉ lệ đọc sách của Malaysia là 8 cuốn/người/năm; năm 2014 là 15 cuốn/người/năm.
Năm 2020, Kuala Lumpur sẽ tổ chức 2.000 sự kiện về văn hóa đọc từ ngày 21/4, phục vụ chiến lược là Thủ đô sách Thế giới. Malaysia cũng phát triển thư viện điện tử (sân bay, trường học, thư viện, điểm công cộng).
Năm 2003 thị trường xuất bản của khối Asean chỉ đứng vị trí thứ 10 trên thế giới nhưng đã nỗ lực vươn lên vị trí thứ 7 năm 2013, và dự kiến vị trí thứ 5 năm 2020, sau thị trường xuất bản Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.