Các công ty công nghệ Mỹ khốn đốn, đua nhau sa thải nhân viên

Trong nhiều năm qua, với việc giá cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ đã tăng lên mức cao kỷ lục, ảnh hưởng của họ đối với thị trường chứng khoán Mỹ tăng. Nhưng nay tình hình đó đã thay đổi...

Các Công ty công nghệ Mỹ đang đua nhau cắt giảm nhân lực do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế (Ảnh: Getty).

Ngay cả sau khi có sự tăng đột biến về giá cổ phiếu vào tuần trước, giá trị thị trường của các đại gia công nghệ là Apple, Microsoft, Amazon, công ty mẹ Alphabet của Google và công ty mẹ của Facebook là Meta đã mất đứt hơn 3 nghìn tỷ USD trong năm nay do doanh thu tăng trưởng chậm lại và lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến cổ phiếu. Điều đó đã làm giảm tỷ trọng của 5 công ty này trong S&P 500 từ mức kỷ lục 24% vào tháng 9 năm 2020 xuống còn khoảng 19% hiện nay.

Dữ liệu cho thấy, 5 đại gia công nghệ Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa sự sụt giảm trong năm nay của S&P 500. Nếu tất cả các thành phần trong chỉ số đều có tỷ trọng như nhau, thay vì theo giá trị vốn hóa thị trường trên thực tế, thì mức giảm của chỉ số sẽ giảm mất hơn 6% trong năm nay. Tỷ trọng của nhóm “Big Five” này trong lĩnh vực công nghệ đã giảm từ 24% xuống 19%

Sự thay đổi này cho thấy kết cấu thị trường chứng khoán đã thay đổi rất lớn kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẩn cấp thoát khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ, làm dấy lên cơn sốt đầu cơ. Với việc sức ảnh hưởng của lĩnh vực công nghệ suy giảm, sức ảnh hưởng của các lĩnh vực truyền thống hơn như năng lượng và ngân hàng đang tăng lên trong S&P 500; các công ty như Exxon Mobil và Wells Fargo được hưởng lợi từ giá dầu cao hơn hoặc lãi suất gia tăng.

Tỷ phú Elon Musk mạnh tay sa thải nhân viên sau khi mua Twitter (Ảnh: Getty).

Dirk Friczewsky, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới độc lập ActivTrades cho biết: “Các cổ phiếu công nghệ lớn đã được hưởng lợi từ tính thanh khoản gần như vô tận và nguồn vốn rẻ mà tăng trưởng cao mang lại. . ."

Dữ liệu của Mỹ công bố hôm thứ Năm (10/11) cho thấy lạm phát trong tháng 10 đã chậm lại hơn dự kiến, giảm bớt áp lực lên các cổ phiếu công nghệ và thúc đẩy sự lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến Nasdaq 100 tăng 9,4% vào thứ Năm và Thứ Sáu 10 và 11/11/), hiệu suất tốt nhất trong hai ngày liền kể từ năm 2008. Mặc dù vậy, chỉ số Nasdaq đã giảm 28% và S&P 500 giảm 16% trong năm nay. Và, không phải tất cả mọi người đều tin rằng đợt tăng giá tuần trước của cổ phiếu công nghệ sẽ được tiếp tục kéo dài.

Sau khi các công ty lớn như Meta, Twitter, Microsoft, Intel tuyên bố sa thải mạnh mẽ, New York Times cũng đưa tin Amazon trước đó đã đình chỉ tuyển dụng, hiện đang có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên! Nếu là sự thật, đây cũng sẽ là đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử của Amazon!

Truyền thông đưa tin về kế hoạch cắt giảm nhân lực của Amazone.

Điều khiến mọi người bất ngờ và sửng sốt là hiện đang là cao điểm bán hàng thương mại điện tử dịp Lễ Tạ ơn + Giáng sinh cuối năm, lúc này Amazon không những không tuyển thêm mà còn thông báo sa thải nhân viên, điều này thực sự cho thấy do bóng mây suy thoái kinh tế hiện nay, ngày càng nhiều công ty công nghệ Mỹ cảm thấy ớn lạnh và bước vào "mùa đông khắc nghiệt" trước thời hạn!

Căn cứ vào số lượng 1,5 triệu nhân viên trên toàn cầu của Amazon, việc sa thải chỉ chiếm chưa đến 1% lực lượng lao động toàn cầu và 3% lực lượng lao động tại Mỹ.

Tờ Wall Street Journal sau đó đã trích dẫn các nguồn tin nói rằng công ty đang có kế hoạch cắt giảm tiếp hàng nghìn việc làm.

Cổ phiếu Amazon hôm 15/11 mở cửa giá thấp hơn, nhưng sau tin sa thải, mức giảm đã được thu hẹp lại, giảm 2,18% xuống 98,59 USD. Nếu so sánh nó với mức vốn hóa thị trường kỷ lục của Amazon là 1.880 tỷ USD vào tháng 7/2021, thì vốn hóa thị trường của Amazon hiện nay chỉ còn khoảng 879 tỷ USD. Nói cách khác, giá trị thị trường của Amazon đã bốc hơi 1 nghìn tỷ USD chỉ trong hơn một năm!

Không chỉ vậy, giá cổ phiếu của Amazon đã giảm khoảng 41% chỉ trong năm nay, vượt xa mức giảm 14% của S&P 500 và có thể là năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Tờ New York Times đưa tin, việc sa thải sẽ chủ yếu nhắm vào bộ phận thiết bị, bộ phận bán lẻ và bộ phận nhân sự. Tuần trước, bộ phận chịu trách nhiệm về trợ lý giọng nói Alexa đã được xác nhận là một trong những bộ phận đang phải cắt giảm để tiết kiệm chi phí. Có thông tin cho rằng việc cắt giảm nhân sự sẽ được xem xét từng nhóm một và đợt đầu tiên có thể bắt đầu ngay trong tuần này.

Người phát ngôn của Amazon từ chối bình luận về các tin liên quan trên truyền thông.

Trước đó, một số công ty công nghệ khổng lồ khác ở Thung lũng Silicon cũng đã thực hiện việc sa thải nhân viên. Meta, công ty mẹ của Facebook, đã thông báo vào tuần trước sẽ sa thải hơn 11.000 nhân viên, tương đương hơn 13% lực lượng lao động của mình.

Khi những cảnh báo về suy thoái liên tục đưa ra, các nhà đầu tư cũng lo lắng về mức chi tiêu cao và triển vọng tương lai của Meta, từ đầu năm nay, giá cổ phiếu của Meta đã giảm mất hơn 70%.

Meta thông báo sẽ cắt giảm hơn 11 ngàn nhân viên (Ảnh: AFP).

Sau khi người đàn ông giàu nhất thế giới Elon Musk, hoàn tất thương vụ tiếp quản trị giá 44 tỷ USD, Twitter đã sa thải khoảng 50% lực lượng lao động chỉ sau vài ngày. Vào cuối tháng 9, Twitter có khoảng 7.500 nhân viên và công ty đã sa thải một nửa, khoảng 3.700 người.

Ngoài ra, Microsoft và Intel sẽ “trảm” hàng nghìn người, còn gã khổng lồ thanh toán trực tuyến Stripe thông báo sẽ sa thải khoảng 14% nhân viên;

Người đồng sáng lập nền tảng gọi xe Lyft cũng thông báo công ty sẽ cắt giảm 13% lực lượng lao động, tương đương gần 700 việc làm.

Đầu tháng 9 năm nay, Google đã chính thức thực hiện bước đầu tiên trong việc sa thải nhân viên. Trong khu vực R & D nội bộ của Google gọi là Khu vực 120, làn sóng sa thải đã bắt đầu. Trong số 14 dự án R&D đang thực hiện, 7 dự án đã bị hủy bỏ.

Trước làn sóng sa thải nhân sự khốc liệt, ngay cả những nhà sản xuất lớn như Apple và Qualcomm cũng đã tuyên bố tạm dừng tuyển dụng.

Nguồn: viettimes.vn