Chuyện vươn lên làm giàu ở một làng chài

Hiện cả làng duy chỉ có 1 hộ nghèo. Cách người làng thoát nghèo, cuộc sống nương tựa vào nhau giúp nhau làm giàu ở làng chài Thanh Hải đang được nhiều làng khác ở vùng cát học hỏi, làm theo.

Từ thành phố Đồng Hới, chạy dọc theo quốc lộ 1A qua đèo Lý Hòa chúng tôi tìm về làng chài Thanh Hải. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến ngôi làng này mọi người đều ngạc nhiên khi bắt gặp nhà cửa của người dân xây dựng khang trang, san sát nhau như ở tuyến phố. Những đường làng được bê tông sạch sẽ, phẳng lỳ đến mỗi ngõ ngách, từng cổng nhà dân.

Từ một làng chài nghèo giờ Thanh Hà trở thành làng giàu có nhất nhì tỉnh Quảng Bình.

Trong ngôi nhà khang trang, ông Lê Văn Hồng, Trưởng thôn Thanh Hải cho biết, làng chài ven biển Thanh Hải đã có từ lâu đời. Bởi vì làng chài nên người dân không ai có ruộng có vườn gì, cuộc sống quanh năm chỉ dựa vào con cá, con tôm đánh bắt được ven biển. Thiếu vốn đóng tàu ra xa, nên người làng chỉ quẩn quanh đánh bắt gần bờ, cuộc sống bếp bênh theo sóng biển. Mấy năm trở lại đây, người làng Thanh Hải bắt đầu nghĩ đến cách thoát nghèo bằng vay vốn ngân hàng đóng tàu vươn ra biển lớn. Những con tàu của làng cập bờ đầy ắp cá tôm, cái nghèo dần được đẩy lùi. Nhưng để vươn lên làm giàu không chỉ dựa vào nghề biển, bà con ở làng chài Thanh Hải vừa đi biển, vừa tìm hướng xuất khẩu lao động.

Những thanh niên làng chài Thanh Hải qua Hàn Quốc làm việc, khi công việc ổn định, thu nhập cao lại quay trở về hướng dẫn, tìm việc cho người khác. Cứ vậy, chỉ trong ít năm hàng trăm thanh niên của làng chài Thanh Hải đã qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… làm việc.

Khác với những nơi khác người lao động đi chui, hoặc bị cò lao động lừa, lao động bất hợp pháp…người làng Thanh Hải hỗ trợ nhau, người đi trước giúp người sau luôn làm đầy đủ thủ tục giấy tờ, cho nhau vay vốn để qua làm việc hợp pháp, gửi tiền về xây dựng nhà cửa, đóng góp cho địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Trần Văn Quang một người làng Thanh Hải kể: “Trước đây nhà nghèo quá, con cái lại đến bốn đứa nên dù có siêng năng đi đánh cá mấy nữa cũng không đủ ăn. Vợ chồng bàn với nhau vay ngân hàng 57 triệu đồng để tui đi Hàn Quốc làm việc. Tui đi lao động chắt chiu được gần 1 tỷ đồng về xây dựng nhà cửa xong, lại thu xếp cho 2 đứa con 1 đứa đi Nhật Bản, một đứa đi Hàn Quốc, hai đứa còn lại ở nhà theo tui tiếp tục đi biển, đi biển để giữ cái nghề của cha ông”.

Ở làng chài Thanh Hải, khi thanh niên đi xuất khẩu lao động có tiền gửi về, người làng lại đóng tàu to, công suất lớn để đi biển xa bờ. Người dân ở làng cần cù làm giàu từ đánh bắt hải sản xa bờ và dịch vụ chế biến, xuất khẩu hải sản với tổng số tài sản và vốn lưu động hơn 150 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Hải nói với chúng tôi, điều ông thấy vui nhất là người làng ông biết dắt díu nhau cùng làm giàu. Ông nói: “Có như vậy Thanh Hải mới trở thành làng giàu, mới giàu cả làng được. Nếu ai cũng chỉ chăm chăm làm giàu cho riêng mình thì làng này làm chi mà phát triển được như bây chừ”.

Ông Thắng kể, ban đầu trong làng số người đi lao động nước ngoài cũng ít, vì không có tiền để đi. Nhưng rồi nhà ban đầu chỉ có một người đi đã gửi tiền về cho em hoặc anh chị đi. Cứ vậy trong một nhà lần lượt dắt díu nhau để anh, chị, em cùng đi. Đến khi trong một nhà đã kiếm được tiền rồi thì chuyển qua dắt họ hàng đi. Sau nữa là họ hàng dắt tay hàng xóm láng giềng đi…

Người dân Thanh Hải sống lấy chữ đạo làm đầu. Chữ đạo ở đây là đạo lý sống tối lửa tắt đèn, khốn khó có nhau giúp nhau làm giàu. Trong làng ai cần tiền để đi xuất khẩu lao động, hay mua dụng cụ nghề cá đi biển được bà con cho mượn để tìm cơ hội làm giàu. Nhờ biết nương tựa vào nhau, làng chài Thanh Hải hiện có 205 hộ với 937 người thì nay có hơn 200 người (trong 176 hộ) đang lao động ở nước ngoài. Có tiền, người dân trong làng lại đầu tư cho con cháu học hành đến nơi đến chốn ngày càng nhiều.

Thanh Hải hiện nay chỉ có 1 hộ nghèo là phụ nữ đơn thân nuôi con, do chồng bị tai nạn mất trong khi đánh cá trên biển. 97% nhà cửa trong làng là kiên cố, trong đó hàng chục nhà 2, 3 tầng. Nhiều căn nhà được xây khang trang với số tiền từ 1,5 đến 3 tỉ đồng, như nhà anh Trần Văn Sự, Lê Văn Canh… Người dân còn góp tiền xây nhà văn hóa, kéo đường điện chiếu sáng, làm cổng làng, xây dựng làng tiên tiến, làng văn hóa nhiều năm qua.

Sông Lam-Thiên Hà

Nguồn: Báo CAND