Công nghệ thông minh chăm sóc người cao tuổi tại Trung Quốc

Công nghệ thiết kế dành cho người cao tuổi. Ảnh: Reuters

Được trang bị một hộp điều khiển, một chiếc webcam kết nối với TV và “Xiaoyi” – thiết bị hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói giống như Siri, hệ thống cho phép những khách hàng cao tuổi có quyền truy cập vào hệ thống SOS từ xa cũng như nhiều dịch vụ trả phí khác, bao gồm dịch vụ giao đồ ăn, dịch vụ dọn dẹp hay gọi đến trung tâm ý tế để nhờ họ hỗ trợ chỉ với 2 Nhân dân tệ mỗi ngày.

Ra mắt vào đầu tháng 4/2019, hệ thống chăm sóc thông minh Lanchuang đã được 220.000 khách hàng cao tuổi tại 16 thành phố đăng ký sử dụng. Hơn một nửa trong số họ là người Sơn Đông – một tỉnh miền Đông Trung Quốc có dân số đang già hóa nhanh chóng.

Hiện tại, công ty hướng đến mục tiêu 1,5 triệu người dùng trong năm nay, trong năm 2020 sẽ tăng lên 12 triệu người và đến năm 2021 đạt được 30 triệu người đăng ký sử dụng.

Tuy nhiên, mục đích của công ty không phải là thu lợi nhuận từ những khách hàng, họ muốn hỗ trợ giảm bớt các dịch vụ chăm sóc người già hiện nay. Một số nhân viên của trong công ty hiện nhận mức lương rất thấp, chỉ khoảng vài trăm tệ mỗi tháng.

“Dịch vụ dành cho người cao tuổi tại thị trường Trung Quốc vô cùng rộng lớn, tuy nhiên các dịch vụ trong ngành này thường bị phân mảnh”, Giám đốc Điều hành công ty, anh Li Libo nói với Reuters và chia sẻ anh muốn các dịch vụ này có thể gắn kết lại với nhau.

Lanchuang đang hợp tác với công ty China Mobile trên điện thoại thông minh dành cho người cao tuổi, đây cũng là một minh chứng cho sự phát triển, mặc dù còn non trẻ nhưng nó thể hiện sự nỗ lực của những doanh nhân đang muốn cung cấp các dịch vụ chăm sóc thông minh tại nhà một cách toàn diện cho một lượng lớn người cao tuổi Trung Quốc.

Theo ước tính của chính phủ, 1/4 trong tổng số 1 tỷ người Trung Quốc trên 60 tuổi và đến năm 2050, con số đó sẽ tăng lên gần nửa tỷ người, chiếm 35% dân số tại quốc gia này.

Bà Liu (66 tuổi) người Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc cho biết việc chăm sóc người già vô cùng khó khăn. Trong những năm cuối đời của mẹ bà, đường tiết niệu của cụ bị tắc, bà thường phải dậy vào nửa đêm để đặt ống thông, công việc khá vất vả khiến bà rất mệt mỏi.

“Tôi chỉ có thể đến nhờ bác sĩ để họ giúp đỡ mẹ tôi, nhưng tôi cũng không thể liên hệ được với bác sĩ suốt 24h”, bà Liu, một kế toán đã nghỉ hưu chưa biết đến các sản phẩm công nghệ chăm sóc người già và vẫn thường một mình chăm mẹ mà không muốn gây phiền hà cho con gái hay con rể của mình.

Theo truyền thống, việc chăm sóc cha mẹ già yếu là trách nhiệm của con cái, nhưng ở xã hội hiện đại ngày nay, khi chính sách 1 con vừa được áp dụng, thì 1 người con phải chăm sóc 4 người cao tuổi, bao gồm cha mẹ đẻ và cha mẹ chồng hoặc vợ của mình. Thông thường, con cái của họ đều phải đi làm xa tại các thành phố lớn để làm việc nên việc chăm sóc cha mẹ rất khó khăn.

Chính bởi vậy, Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều viện dưỡng lão nhưng chi phí quá cao khiến các gia đình khó có thể chi trả được. Theo một cuộc khảo sát, có đến 3/4 người già thích sống những ngày cuối đời tại chính căn nhà của mình.

Trong khi Bắc Kinh đang muốn thiết lập một khung chính sách cho hệ thống chăm sóc người già, thì chính quyền địa phương lại không sẵn lòng hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mà họ cho là rườm rà. Tuy nhiên, sự thay đổi đã diễn ra khi vào tháng 4, Bắc Kinh đã ban hành một tài liệu chính sách chi tiết phác thảo các dịch vụ trong lĩnh vực này, bao gồm công nghệ thông minh cũng như hỗ trợ tài chính.

Chính phủ trung ương đã phân bổ 22 triệu Nhân dân tệ tiền trợ cấp cho nền tảng thông minh Lanchuang, chính quyền tỉnh Sơn Đông cũng đã chi 3 triệu Nhân dân tệ cho hệ thống hiện đại này. Số tiền hỗ trợ vượt mức so với một thập kỷ trước khi các doanh nhân luôn gặp phải sự phản đối của địa phương.

“Tại sao anh làm điều này? Điều đó thì có liên quan gì đến tôi?”, doanh nhân Wang Jie (59 tuổi) nhớ lại vẻ hoài nghi khi ông nói với chính quyền địa phương Trung Quốc về những thử nghiệm cảm biến chuyển động tại nhà của người dân.

Sau đó, ông Wang đã phải đến Canada để thử nghiệm. Khi trở về Bắc Kinh vào cuối năm 2013 để bắt đầu khởi nghiệp, ông đã phải đi đến từng quận để thuyết phục chính quyền địa phương về những chức năng của những thiết bị cảm biến của mình có thể hỗ trợ các thành viên trong gia đình theo dõi tần suất hoạt động của người cao tuổi thông qua một ứng dụng.

Ông Wang, người đang hoạt động tại Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Chăm sóc Người cao tuổi, kể từ đó đã tìm cách đàm phán với 2 quận tại Bắc Kinh để họ giúp đỡ ông xác định những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh và sống một mình để hỗ trợ các thiết bị cảm biến của mình.

Công ty công nghệ thông minh eCare Bắc Kinh của ông sau đó đã bán được hàng trăm bộ cảm biến. Công ty này cũng giúp đào tạo các đội hỗ trợ phản ứng khẩn cấp và các gia đình không phải trả phí cho dịch vụ này.

Nhiều doanh nhân ở các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, Anh và Hàn Quốc đã nắm bắt các cơ hội tương tự trong lĩnh vực này. Họ đã cho ra mắt các công nghệ từ nhận dạng giọng nói cho các thiết bị gia dụng đến việc tìm robot – người bạn đồng hành cho những người già bớt cô đơn.

Tuy nhiên, những ứng dụng công nghệ này mới chỉ nhen nhóm tại thị trường Trung Quốc. Tại Weifang, Trung tâm chăm sóc sức khỏe Zhuojing, một trong số 147 nhà cung cấp dịch vụ y tế cộng đồng được kết nối với hệ thống Lanchuang cho biết họ chỉ nhận được 1 đến 2 cuộc gọi qua hệ thống mỗi ngày.

Còn những khách hàng khác cho biết họ sử dụng nền tảng này chủ yếu để trò chuyện video với gia đình. Cô Zhao Xi Chee (55 tuổi) cho biết cô dùng ứng dụng chỉ để nói chuyện với mẹ cô sống ở gần đó bởi không có nhà cung cấp dịch vụ nào trong khu phố của mình và việc sử dụng còn gặp khó khăn.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN