Giữ nền kinh tế vượt qua dịch Covid-19

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 3-3 thông báo gói hỗ trợ 12 tỉ USD để giúp các nước thành viên đang đối mặt các tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) hiện có mặt tại khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thông qua khoản tiền trên, WB cho biết sẽ giúp các nước đang phát triển củng cố hệ thống y tế, trong đó có tăng cường giám sát dịch bệnh, nâng cao can thiệp y tế công cộng và phối hợp với khu vực tư nhân nhằm giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh. Reuters nhận định bước đi trên nêu bật nỗi lo đang tăng về tác động nhiều mặt của dịch bệnh, trong đó có kinh tế.

Ông David Malpass, Chủ tịch WB, nhận định vẫn còn nhiều điều chưa rõ về virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2) đang lây lan nhanh chóng và WB sẽ điều chỉnh chiến lược khi cần. Cũng theo quan chức này, gói hỗ trợ trên chỉ là phản ứng ban đầu và vẫn còn có những kịch bản đòi hỏi thêm nguồn lực tài chính lớn hơn.

Một người được đưa lên xe cấp cứu tại Trung tâm Dưỡng lão Life Care ở TP Kirkland, bang Washington - Mỹ hôm 3-3 Ảnh: REUTERS

Thông báo trên được đưa ra giữa lúc các chính phủ và ngân hàng trung ương tăng cường hành động khẩn cấp để bảo vệ kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính khỏi những tổn thất lớn từ dịch Covid-19. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 3-3 cắt giảm lãi suất trong nỗ lực ngăn dịch Covid-19 làm tổn hại đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Virus (SARS-CoV-2) và các biện pháp được áp dụng để kiềm chế nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong và ngoài nước" - ông Jerome Powell, Chủ tịch FED, nhận định, đồng thời lặp lại quan điểm của ông rằng nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh. Dù vậy, theo Reuters, bước đi khẩn cấp này không đủ sức trấn an các thị trường tài chính Mỹ đang lo lắng về nguy cơ kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại trong thời gian dài.

Nỗi lo trên chắc chắn càng tăng sau khi bang Washington hôm 3-3 ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong vì SARS-CoV-2, nâng tổng số nạn nhân tại bang này lên con số 9. Số trường hợp nhiễm bệnh tại bang Washington cũng tăng lên 27, tính luôn cả 9 ca tử vong. Trong số này, ít nhất 5 trường hợp tử vong có liên quan đến Trung tâm Dưỡng lão Life Care ở TP Kirkland.

Trong khi đó, dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết có 108 ca nhiễm tại Mỹ, gồm 60 người tại 12 bang và 48 người được sơ tán từ nước ngoài. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang làm việc với quốc hội về gói chi tiêu khẩn cấp để chống Covid-19 và kỳ vọng gói này có giá trị khoảng 8,5 tỉ USD.

Còn tại Hàn Quốc, một gói kích thích kinh tế 11.700 tỉ won (9,8 tỉ USD) cũng được công bố hôm 4-3 nhằm giúp chống chọi dịch Covid-19 và giảm nhẹ tổn thất kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki cho biết khoản tiền nói trên, cần được quốc hội phê chuẩn, sẽ được chi cho hệ thống y tế, chăm sóc trẻ em, khu chợ ngoài trời… Trong số này, khoảng 2.300 tỉ won sẽ được chi cho trang thiết bị y tế, giường bệnh và cơ sở điều trị bệnh nhân.

Theo hãng tin Yonhap, ở Hàn Quốc, số ca nhiễm SARS-CoV-2 và trường hợp tử vong vì Covid-19 đã lần lượt tăng lên 5.621 và 33 hôm 4-3. Khoảng 60% trường hợp nhiễm có liên hệ đến chi nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa ở TP Daegu. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương đã chuyển sự tập trung sang xét nghiệm những người không phải là thành viên giáo phái này do sự lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Những nỗi lo của WHO

Bà Margaret Harris, phát ngôn viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hôm 4-3 nhận định một trong những nỗi lo hàng đầu của tổ chức này là 3 nước Ý, Iran và Hàn Quốc đang gặp khó trong việc ứng phó dịch Covid-19 nghiêm trọng. Trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times (Singapore), bà Harris cho biết thêm một nỗi lo khác là hệ thống y tế tại một số nước không đủ khả năng đối phó với sự lây lan SARS-CoV-2 bởi ngay cả những nước có hệ thống y tế công mạnh cũng đang gặp sức ép trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trước đó một ngày, Tổng Thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các thiết bị bảo hộ dành cho nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 đang "cạn kiệt nhanh chóng" trong bối cảnh xuất hiện tình trạng mua tích trữ và thao túng thị trường. "Chúng tôi lo ngại khả năng ứng phó của các quốc gia đang bị ảnh hưởng vì nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân toàn cầu bị gián đoạn ngày càng nghiêm trọng... do nhu cầu tăng cao, tích trữ và sử dụng sai mục đích" - ông Tedros bày tỏ.

Hoàng Phương

Nguồn: Báo Người Lao Động