Góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Những “cây sáng kiến”… tiền tỷ

Làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam được gần 3 năm, chị Trần Thị Thanh Nga (Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) gây ấn tượng với người đối diện bằng vóc dáng nhỏ nhắn và rất nữ tính. Ẩn sâu bên trong sự dịu dàng ấy, chị Nga được biết đến là một nữ công nhân năng nổ, có tay nghề cao, ham học hỏi và rất có nghị lực phấn đấu. Gắn bó với công ty, say mê công việc nên những lúc rảnh rỗi, chị Nga thường dành thời gian tìm tòi những “sáng kiến” độc đáo, góp phần mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp.

Chia sẻ về sáng kiến của bản thân, chị Nga cho biết từ thực tiễn công việc, nhận thấy nguyên vật liệu đang dùng có quy trình xử lý lãng phí, hiệu quả không đạt theo yêu cầu đã thôi thúc chị cần tìm ra sự thay đổi. “Trong quá trình làm việc tôi nhận ra bên cạnh những thành phần cần phải xử lý, giấy da bò còn có cả những thành phần có thể tái chế được như nhựa và giấy.

Chị Trần Thị Thanh Nga, công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (đứng thứ 8 từ phải qua) được biểu dương và trao bằng thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” năm 2020.

Tỉ mỉ nghiên cứu các công đoạn, tôi thấy rằng thay vì cần máy bóc tách rồi phân hủy rất lãng phí như trước đây thì chúng ta có thể tận dụng bán nguyên liệu tái chế với đơn giá tương đối cao. Mặc dù không có nhiều phức tạp nhưng trước đây chưa ai để ý đến phương pháp này”, chị Nga kể.

Với sáng kiến “Cải tiến phương pháp xử lý giấy da bò” đi vào hiện thực, chị Nga đã làm lợi cho công ty 1000 USD/tháng. “Khởi đầu ở con số khiêm tốn, tuy nhiên con số này sẽ còn tăng trong tương lai khi mở rộng quy mô và sản lượng”, chị Nga vui vẻ cho hay.

Không chỉ riêng chị Nga, trong năm vừa qua, sáng kiến “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí bằng cải tiến bản vẽ sản phẩm trước khi làm khuôn cho đời máy mới (Nhận diện bản vẽ của Nhật và đưa ra ý tưởng tốt hơn để cải tiến cùng Nhật từ công đoạn thiết kế bản vẽ) của anh Hoàng Văn Thành đã gây được tiếng vang lớn tại Công ty TNHH Canon Việt Nam khi có thể làm lợi cho công ty số tiền rất lớn...

Đam mê với công việc, tích cực học hỏi, anh Thành nhận ra bản vẽ linh kiện được các nhà thiết kế Nhật Bản phát hành để làm khuôn vẫn còn nhiều điểm không tốt dẫn tới chi phí hàng năm phải sửa khuôn rất cao. Nhờ sự sáng tạo, anh đã chủ động đề xuất cùng tham gia với các nhà thiết kế Nhật Bản để thiết kế bản vẽ linh kiện từ giai đoạn đầu và được công ty cũng như tập đoàn chấp thuận. Miệt mài đưa ra những ý tưởng và thử nghiệm trong một khoảng thời gian, kết quả những cải tiến của anh đã làm giảm được chi phí sửa khuôn trung bình 269 nghìn USD/đời máy/năm. Ước tính mỗi năm có khoảng 5 đời máy mới thì số tiền tiết kiệm lên tới 61,8 tỷ đồng.

Cùng có tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của công ty như anh Hoàng Văn Thành, sáng kiến “Cải tiến nâng cao kỹ năng nhân viên gia công linh kiện tai xưởng Đại tu khuôn tăng tuổi thọ” của anh Phạm Văn Bình (công nhân Công ty Canon Việt Nam) đã làm lợi cho công ty hơn 28 tỷ đồng/năm. “Trước cải tiến công ty phải mua linh kiện khuôn bên ngoài về thay thế.

Khi khuôn đến tuổi thọ phải mua khuôn mới thay thế 34 linh kiện và 12 khuôn có giá trị rất lớn. Sau khi tìm hiểu nghiên cứu tôi đã tự gia công linh kiện tại xưởng và đại tu khuôn. Kết quả tôi tự gia công được 34 linh kiện và đại tu được 12 khuôn, giúp tăng năng suất lao động cho công ty”, anh Bình tâm sự.

Tạo động lực sản xuất

Trường hợp của chị Nga, anh Thành, anh Bình chỉ là 3 cá nhân trong tổng số 265 công nhân lao động được Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội quyết định biểu dương và trao bằng thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” năm 2020 thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, góp phần làm lợi hàng trăm tỉ đồng do doanh nghiệp.

Những sáng kiến của người lao động đã minh chứng cho hiệu quả khi ứng dụng những kiến thức khoa học trong lao động sáng tạo vào thực tiễn. Phần lớn những sáng kiến cải tiến kỹ thuật xuất phát từ thực tiễn trong công việc hàng ngày. Vì vậy khi áp dụng trong công việc cũng như trong hoạt động sản xuất đã khắc phục được nhiều vấn đề còn tồn tại, làm tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Những sáng kiến của người lao động đã minh chứng cho hiệu quả khi ứng dụng những kiến thức khoa học trong lao động sáng tạo vào thực tiễn. Phần lớn những sáng kiến cải tiến kỹ thuật xuất phát từ thực tiễn trong công việc hàng ngày. Vì vậy khi áp dụng trong công việc cũng như trong hoạt động sản xuất đã khắc phục được nhiều vấn đề còn tồn tại, làm tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nhờ ý nghĩa và hiệu quả thiết thực, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phong trào không chỉ tạo khí thế thi đua lao động sản xuất mà còn tạo động lực cho người lao động phát huy sáng tạo của mình trong từng vị trí công việc. Từ đó xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp điển hình với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị làm lợi cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đơn cử như công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam luôn duy trì các phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” trong suốt nhiều năm nay. Ông Phan Thanh Hải- Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho biết, đây là một trong những phong trào sôi nổi nhất tại công ty. Công ty đã thành lập “Ban sáng kiến, sáng tạo” hằng tháng cùng với Ban lãnh đạo công ty phát động công nhân tham gia vào phong trào sáng tạo ở tất ở các lĩnh vực. Công nhân sẽ được tham gia thuyết trình ý tưởng của mình, mỗi tháng công ty sẽ chọn ra 3 sáng kiến, sáng tạo để trao giải. Sau hoạt động từng tháng, cuối năm Ban lãnh đạo công ty sẽ tổng hợp để lựa chọn những sáng kiến có giá trị cao nhất, ý nghĩa nhất trình lên tập đoàn.

“Phong trào sáng kiến, sáng tạo hiện nay nhận được ủng hộ và quan tâm rất lớn của Ban lãnh đạo công ty. Có tháng có đến hơn 3000 sáng kiến được trình lên, có những cá nhân tiêu biểu 1 tháng có đến gần 20 sáng kiến. Rất nhiều sáng kiến đã được đạt giải tại tập đoàn và được biểu dương. Thông qua các hoạt động này người lao động sẽ cảm nhận được những giá trị thiết thực họ mang lại cho sự phát triển của nhà máy và công việc của họ diễn ra được thuận lợi hơn”, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho hay.

Ông Hải cũng nhận định, chính nhờ phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” có hiệu quả đã góp phần làm cho công ty liên tục phát triển, giải quyết khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất lao động làm cho đời sống người lao động ngày càng được cải thiện. Đồng thời, những ý tưởng của người lao động giúp công ty sàng lọc được những lãng phí không cần thiết giúp tiết kiệm chi phí, trong đó có nhiều ý tưởng nâng hiệu quả, tăng giá trị lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.


Nguồn: Báo LĐTĐ