Lợi nhuận mảng cốt lõi của ngân hàng co hẹp

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nhận định, tăng trưởng tín dụng bắt đầu chững lại từ năm ngoái. Đến cuối tháng 6/2019, tín dụng tăng trưởng khoảng 6,6% so với đầu năm nay, tỷ lệ này được nhận định thấp hơn so với những năm trước, nhưng theo ông Sebastian Eckardt, tỷ lệ này vẫn chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

“Việt Nam nên cân đối tốc độ tăng trưởng tín dụng trên GDP. Vẫn cần giảm hơn nữa so với trước”, ông Sebastian Eckardt nói.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 được Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho toàn ngành là 14%, thấp hơn năm 2018. Tuy nhiên, giảm tốc tăng trưởng tín dụng là vấn đề cần đặt ra trong thời điểm hiện tại nhằm cân đối tăng trưởng dài hạn khi tỷ lệ tín dụng trên GDP đạt xấp xỉ 130% trong năm 2018.

Ông Sebastian Eckardt cho biết thêm, WB nhận thấy một số quan ngại qua những khảo sát trên toàn cầu khi tín dụng tăng trưởng mạnh sẽ dẫn đến những hoạt động đầu cơ và rủi ro cao. Điều này đồng nghĩa với việc đưa đến những vấn đề về chất lượng tài sản và gây ra bất ổn trong tương lai.

“Bên cạnh nỗ lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang có những biện pháp kiểm soát dòng vốn đổ vào bất động sản và cả vào những ngành nhạy cảm như tài chính tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng dù ở tỷ trọng thấp nhưng mức độ tăng trưởng rất mạnh và Việt Nam cần tiếp tục quản lý rủi ro để tránh vay quá nhiều trong khu vực hộ gia đình”, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố đóng góp vào sự phát triển của thị trường này như tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập khả dụng cũng như sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu trong xã hội. Ngoài ra, nhờ các tín hiệu tích cực của nền kinh tế kể từ năm 2014, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt ngày càng gia tăng, chạm đỉnh 129 điểm vào quý III/2018 và quý I/2019.

Những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, như sản phẩm công nghệ mới hoặc các kỳ nghỉ, du lịch, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt dần thay đổi theo hướng người dân chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống, thay vì tích lũy, tiết kiệm đến khi đủ số tiền để mua sản phẩm mình mong muốn.

“Nhờ việc dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2015. Theo thống kê của FiinGroup, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình tới 66,3%/năm trong giai đoạn 2015 - 2017, cao hơn nhiều so với mức 20% của 2013 - 2014. Tăng trưởng của năm 2018 đạt 30,4%, thấp hơn với mức 59% trung bình 5 năm trước. Dù vậy, tín dụng tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng khi tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng từ mức 12,3% (năm 2016) lên 17% (năm 2017) và 19,7% (năm 2018)”, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp Công ty Chứng khoán MB cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2019 được dự báo ở mức thấp hơn 12,5% (năm 2018 là 13%). Nguyên nhân bởi lãi suất có xu hướng neo ở mức cao và các chính sách quản lý tín dụng thận trong hơn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với tín dụng giảm tốc, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ gặp thêm khó khăn nữa khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được dự báo sẽ khó cải thiện trong năm nay. Áp lực tăng lãi suất, cạnh tranh cho vay bán lẻ và áp lực huy động vốn từ nợ thứ cấp, thay đổi Thông tư 36 sẽ khiến NIM bị áp lực. Nguồn vốn liên ngân hàng giá rẻ cũng sẽ không còn dồi dào do một số biện pháp thắt chặt tiền tệ gần đây, lạm phát cũng đang có xu hướng tăng và lãi suất trái phiếu chính phủ khó giảm sâu.

Nhuệ Mẫn

Nguồn: Báo ĐTCK