Những doanh nhân góp phần làm thay đổi nước Mỹ

Những người khổng lồ trong giới kinh doanh của tác giả Richard S. Tedlow, giáo sư khoa Quản trị kinh doanh của trường Kinh doanh Harvard (Vũ Trọng Đại, Đặng Việt Vinh dịch, NXB Công thương và Thái Hà Books liên kết phát hành), là cuốn sách viết về kinh doanh tương đối đặc biệt.

Trước hết, đây là cuốn tiểu sử phác họa chân dung của một số nhà cải cách doanh nghiệp, những người đã làm tốt nhất trong việc thành lập và phát triển doanh nghiệp mới. Đó cũng là những người khám phá ra công cụ và công nghệ mới trong lúc thời đại của họ còn mơ hồ về chúng.

Ngoài ra, cuốn sách còn là bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của nước Mỹ từ giữa thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20.

Trong cuốn sách, tác giả Richard S. Tedlow đã khẳng định không ở đâu trên thế giới này doanh nhân lại được tôn vinh và môi trường kinh doanh lại thuận lợi như nước Mỹ.

Để chứng minh điều này, ông đã nêu những tấm gương doanh nhân với bài học sâu sắc. Bên cạnh đó, ông phân tích ảnh hưởng của những tấm gương này với quá trình trỗi dậy của nước Mỹ.

"Vua thép" Andrew Carnegie. Ảnh: Stuff You Missed in History Class.

Theo Richard S. Tedlow, 3 doanh nhân, đồng thời là nhà cải cách doanh nghiệp, đã đưa Mỹ từ nước đang phát triển thành cường quốc kinh tế.

Ba nhà cải cách đó lần lượt là "vua thép" Andrew Carnegie, người sáng lập công ty Kodak Gorge Eastman và “cha đẻ của ngành công nghiệp ôtô hiện đại” Henry Ford.

Andrew Carnegie (25/11/1835-11/8/1919) sinh trưởng trong gia đình Scotland di cư đến Mỹ. Năm 1848, khi ông bắt đầu công việc đầu tiên của mình là “sản xuất ống chỉ”, nước Anh đang là nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Cuối năm 1870, sản lượng thép của nước này bằng sản lượng thép của tất cả quốc gia trên thế giới gộp lại.

Giữa thập niên 1860, sau khi vươn lên trở thành thế lực trong thế giới kinh doanh ở Mỹ, Carnegie bắt đầu xây dựng đế chế thép của mình.

Năm 1900, một năm trước khi Carnegie nghỉ hưu, sản lượng thép của nước Mỹ đã gấp đôi Anh và phần nhiều trong đó là sản phẩm của các nhà máy thép của Carnegie.

George Eastman sáng lập công ty Kodak. Ảnh: Wikipedia.

Gorge Eastman (12/7/1854-14/3/1932) sinh trưởng trong gia đình có 10 người con ở Marshall, gần Waterville, hạt Oneida, New York, Mỹ. Cha qua đời khi ông mới 8 tuổi.

Năm 1877, ông mua được chiếc máy ảnh và thiết bị tráng phim rửa ảnh với giá 94,58 USD. Kể từ khi đó, ông say mê với máy và phim ảnh.

Năm 1881, George Eastman thành lập công ty Eastman, tiền thân của công ty Kodak ngày nay.

Ông cũng là người tiên phong trong giới kinh doanh bán ra thị trường những sản phẩm tiêu dùng được gắn nhãn mác. Đây là điều rất quan trọng vì xu hướng gắn nhãn mác chưa có tiền lệ trước đó.

Từ thập niên 1880, hầu hết sản phẩm, mặt hàng đóng bao bì mang nhãn hiệu đã chi phối thị trường nước Mỹ. Và đối với sản phẩm máy ảnh, đó là nhãn hiệu Kodak.

Henry Ford, người sáng lập tập đoàn Ford, "cha đẻ" của ngành công nghiệp ôtô hiện đại. Ảnh: National Review.

Henry Ford (30/7/1863 - 7/4/1947) sinh trưởng trong nông trại của gia đình tại Dearbon, Michigan. Năm 1891, ông bắt đầu làm việc tại công ty chiếu sáng của Edison.

Ngày 4/6/1892, Ford hoàn thiện và chạy thử ôtô đầu tiên của mình. Năm 1903, công ty Ford Motor được thành lập ở Detroit.

Khi Andrew Carnegie di cư và đặt chân đến nước Mỹ, lúc đó, quốc gia này vẫn còn là nền kinh tế thuộc địa điển hình, sản xuất hàng nông nghiệp và nhập khẩu máy móc.

Và Henry Ford, hơn bất cứ cá nhân nào khác đã đặt nước Mỹ trên những bánh xe. Ông giải phóng nước Mỹ khỏi một quốc gia nông nghiệp và khiến chiếc xe hơi nằm trong tầm với của số đông. Việc vận chuyển bằng ôtô cũng làm thay đổi bộ mặt của các thành phố Mỹ.

Đến giữa thập kỷ 1920, Mỹ trở thành nước đi đầu trong nghành sản xuất xe hơi và điện năng. Địa vị của nước Mỹ trên thế giới cũng hoàn toàn thay đổi. Mỹ nổi lên với tư cách là chủ nợ và trở thành cỗ máy xuất khẩu. Henry Ford và doanh nghiệp của ông thống trị ngành sản xuất xe hơi và ở đỉnh cao thịnh vượng.

Nguồn Zing: https://zingnews.vn/nhung-doanh-nhan-gop-phan-lam-thay-doi-nuoc-my-post1195094.html