Ô nhiễm danh hiệu

Thật ra đã có tự lâu rồi cái trò bày ra sự kiện trao danh hiệu này nọ hoành tráng rồi “chào mời” khắp nơi với những công thức kinh điển: “từ ngữ lung linh” + “văn bản chình ình” + “tài trợ rủng rỉnh”.

Đã là danh hiệu thì từ ngữ phải lung linh. Phải là quốc tế, toàn cầu, chí ít thì cũng phải là danh hiệu khu vực ASEAN. Phải là nữ hoàng, là tiên phong, là đại sứ, là hiệp sĩ…

Bảo chứng thì phải có văn bản đóng dấu đỏ, kèm theo vài cái tên quan chức, hoặc cựu quan chức đang là chủ tịch hội này hội nọ…

Còn tài trợ thì đương nhiên phải có rồi, mức tiền nghe thôi cũng đủ biết là giá mua danh hiệu. Không mua thì không có danh hiệu, nói vậy cho gọn.

Thế là doanh nghiệp Việt bị các danh hiệu bủa vây chào mời. Mà thường là doanh nghiệp Việt thôi, chứ doanh nghiệp nước ngoài chẳng mấy ai quan tâm đến những “trò chơi thương hiệu” kiểu này. Bỏ tiền ra sắm lấy vài danh hiệu nghe kêu đùng đùng, mà chẳng biết những danh hiệu ấy có tác động gì đến phát triển thật sự về giá trị thương hiệu của doanh nghiệp không. Hay chỉ là, kiếm lấy tấm hình nhận danh hiệu trên sân khấu hoành tráng, đem về một cái cúp hay một kỷ niệm chương nào đó bỏ thêm vào góc trưng bày ở công ty. Có doanh nghiệp coi như là “nạn nhân” bị lừa. Có doanh nghiệp thì coi như tìm được thêm chiêu thức hợp lẽ để đánh bóng giá trị công ty nhằm thực hiện những mục tiêu PR bẩn hay những tính toán thương trường chẳng sạch sẽ gì. Không ít trường hợp doanh nghiệp nhận danh hiệu rồi ba bữa nửa tháng lòi ra “phốt” lừa đảo thương mại.

Doanh nghiệp phải tự hỏi mình thôi, rằng phải mua sắm bao nhiêu danh hiệu thì có được thực lực thương trường, để đủ sức cạnh tranh với đối thủ quốc tế?

Còn với người dân, với khách hàng, càng thêm nhiều những thứ danh hiệu trời ơi ấy thì chắc chắn là niềm tin thị trường cho thương hiệu Việt vốn đã khó gây dựng giờ lại càng trở nên mong manh. Mà mong manh thế, thì đối thủ cạnh tranh chỉ cần “ra chiêu” nhè nhẹ kiểu Big C “tạm dừng” nhập hàng Việt là đủ để thua trắng rồi. “Ô nhiễm danh hiệu” chắc chắn sẽ làm nhuốm bẩn thương hiệu Việt, và góp phần “đánh sập” năng lực cạnh tranh kinh tế của đất nước.

Mà nhìn rộng ra nữa đi, để thấy dường như “ô nhiễm danh hiệu” đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nữa, kể cả trong khoa học và trong giáo dục nước mình. Cái danh “Viện sĩ” thấy thế mà cũng có thể dễ mua như bỡn.

Bỗng thấy khắc khoải mong chờ năng lực quản lý, giám sát có trách nhiệm đến mức tinh tường của các bộ ngành. Tinh tường đến mức ra văn bản ngăn chặn quảng cáo “lon Việt Nam”, mà sao chẳng dùng sự tinh tường ấy để ngăn chặn mấy trò danh hiệu mơ hồ và mờ ám đang làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường doanh nghiệp Việt Nam.

Huỳnh Văn Thông

Nguồn: Báo Thanh Niên