Startup phải chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng trước khi gọi vốn

Ông Trần Thanh Tâm chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Linh

Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp thực chiến Saigon Times, một chương trình do Câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp Saigon Times tổ chức, đã có buổi sinh hoạt đầu tiên với chủ đề "Điều kiện và các bước để startup gọi vốn thành công" với sự chia sẻ từ ông Trần Thanh Tâm, chuyên viên kiểm soát tài chính Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Ông Thanh Tâm, người từng đảm nhiệm vai trò giám đốc đầu tư của một số quỹ liên quan đến khởi nghiệp, đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm hữu dụng cho các startup đang có ý định tiếp cận và gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần lẫn quỹ đầu tư tại thị trường trong nước.

Ông Thanh Tâm ví von việc chuẩn bị các bước trước khi gọi vốn của startup cũng quan trọng như thí sinh trước khi bước vào kỳ thi, cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tránh trường hợp chưa chuẩn bị xong mà đã tìm đến nhà đầu tư thì khó thành công.

Theo ông Tâm, muốn được nhà đầu tư chú ý, trước tiên startup phải chứng minh được sản phẩm, dịch vụ của mình có một thị trường tiềm năng. Có trường hợp công ty khởi nghiệp có ban giám đốc tài năng nhưng các nhà đầu tư không quan tâm vì thấy thị trường của sản phẩm mà doanh nghiệp tạo ra không có tiềm năng phát triển trong tương lai. Vì thế, công ty này khó nhận được vốn từ các nhà đầu tư.

Tiếp đến, startup phải chỉ ra được đối tượng khách hàng, vấn đề khách hàng gặp phải là gì, những phương án giải quyết và chứng minh phương án tối ưu. Nói chung, tất cả các vấn đề đều có thể chứng minh và đo lường được.

Ngoài ra, các startup cũng nên liệt kê những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình như quyền sở hữu trí tuệ đối với một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Đây cũng là điểm cộng dành cho startup từ nhà đầu tư.

Đối với sản phẩm, cần miêu tả chi tiết các sản phẩm, liệt kê top 5, top 10 sản phẩm bán chạy hay sự tăng trưởng doanh thu. Ông Thanh Tâm cũng khuyên startup đừng e ngại khi cho nhà đầu tư biết sự thật về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang bị thua lỗ.

Điểm nữa, cần phân tích lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành để biết được khả năng cạnh tranh của startup, ví dụ lợi thế về sản phẩm, quy trình hay bộ máy nhân sự trước đối thủ trong ngành. Lợi thế cạnh tranh không chỉ là sản phẩm mà còn nằm ở con người, quy trình, hệ thống....

Thực tế cho thấy, không phải những ai bước vào con đường khởi nghiệp đều có thể tự trang bị cho mình những kiến thức nói trên, và không phải startup nào cũng may mắn nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp để có những kiến thức cơ bản về xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp để sau đó đi kêu gọi vốn đầu tư. Đây chính là lỗ hỏng, điểm yếu của cộng đồng startup Việt Nam lâu nay.

Tuy nhiên, những kiến thức này, những startup có thể tìm kiếm được khi tham gia hoặc trở thành thành viên của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ví dụ Câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp Saigon Times thuộc Câu lạc bộ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Club) hay Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), để có thể nhanh chóng tiếp cận những thông tin về kinh tế, tài chính và tận dụng mối quan hệ rộng của những tổ chức này để có thể biết được địa chỉ gửi hồ sơ gọi vốn đến các nhà đầu tư.

Ông Thanh Tâm cũng tư vấn, trước khi gõ cửa các quỹ đầu tư, startup cần biết được định mức đầu tư của mỗi quỹ. Ví dụ, nếu quỹ A quy định ngưỡng đầu tư khoảng 1 triệu đô la Mỹ vào mỗi một công ty khởi nghiệp nhưng startup đưa hồ sơ gọi vốn chỉ vài trăm ngàn đô la thì cũng khó thành công. Do đó, cần phải tìm hiểu kỹ trước khi tiếp cận các quỹ đầu tư để tránh mất thời gian của các bên liên quan.

Tuần qua, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), đã có buổi tổng kết chặng đường 5 năm hình thành và phát triển để nhìn lại những gì đã làm trong thời gian qua và những dự định cho thời gian tới.

Sau năm năm được thành lập, SVF đã kết nối được với 25 tỉnh, thành và triển khai sâu các chương trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở bảy tỉnh thành khác nhau. SVF đã tiếp cận được 10.000 người với hơn 100 chương trình, cuộc thi khởi nghiệp, hỗ trợ cho hơn 100 startup, thiết lập hơn 360 cố vấn khởi nghiệp và tổ chức 11 khóa huấn luyện cố vấn khởi nghiệp.

Ngọc Hùng

Nguồn: Báo TBKTSG