Tesla có rất nhiều tin tốt gần đây.
Đầu tiên là việc "siêu nhà máy" ở Thượng Hải đã đi vào sản xuất hàng loạt trước thời hạn. Tiếp đó, trong quý IV năm ngoái, khối lượng giao hàng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, vượt quá mong đợi của thị trường. Và may mắn chưa dừng lại ở đó, trong những ngày đầu năm mới, Tesla đã bắt đầu giao xe cho khách hàng Trung Quốc, với mức giá ban đầu giảm mạnh, chính thức tiến thêm một bước trong việc xâm nhập thị trường tỷ dân này.
Nhiều người cho rằng Model 3 của Tesla sẽ trở thành iPhone 4 của ngành công nghiệp xe điện, là bước chuyển thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp ô tô tương lai.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, sẽ chẳng có một công ty nào tiến sâu và nhanh vào thị trường Trung Quốc được như Tesla, nếu không được chính phủ nước này hỗ trợ. Và nguyên nhân đằng sau đó là việc Trung Quốc cũng cần Tesla, với một sự khao khát hệt như việc Tesla cần Trung Quốc.
Sự trơn tru... quá đà
Từ sân bay quốc tế Phố Đông của Thượng Hải đi về phía tây nam khoảng 40 phút lái xe là một khu đất mà hơn một năm trước, nó vẫn là đầm lầy bỏ hoang. Vào ngày 17/10/2018, Tesla tuyên bố đã giành được thành công lô đất này, thuộc Khu công nghiệp thiết bị Lingang Thượng Hải với giá 973 triệu nhân dân tệ, với diện tích 1.297,32 mẫu. Tesla muốn biến vùng đất nông nghiệp này thành một siêu nhà máy tại Thượng Hải.
Thành lập một nhà máy đòi hỏi một lượng vốn lớn. Nếu nhà máy được thành lập với tốc độ phi thường, mức tiêu thụ vốn sẽ còn lớn hơn gấp bội. Nhưng vào tháng 3/2019, Tesla tuyên bố đã ký được thỏa thuận với một số ngân hàng Trung Quốc (bao gồm Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải), với tổng số tiền vay là 3,5 tỷ nhân dân tệ. Tiếp đó, vào tháng 10 và tháng 12, Tesla đã tích lũy được khoản vay 15 tỷ nhân dân tệ từ một số ngân hàng với "mức lãi suất thấp nhất dành cho các doanh nghiệp nhà nước". Nguồn tài trợ ổn định này đã cho phép siêu nhà máy Tesla giảm thời gian xây dựng từ 1 đến 2 năm xuống còn 8 tháng.
Elon Musk đã sử dụng từ "cú sốc" để mô tả mọi thứ diễn ra và tốc độ xây dựng này cũng đã được chính quyền thành phố Thượng Hải định nghĩa là "tốc độ Tesla".
Sẽ không có một công ty nước ngoài nào có thể làm được điều đó, xây dựng một nhà máy quy mô như vậy ở Trung Quốc, nếu không nhận được sự hỗ trợ mãnh liệt từ chính quyền nước này. Hãy nhìn vào dự án siêu nhà máy Tesla ở Berlin, thứ bây giờ đang có nguy cơ bị trì hoãn bởi... những con dơi. Tesla cần có một số "giấy phép đặc biệt" để di chuyển những con dơi đang ngủ đông, thuộc một loài có nguy cơ tuyệt chủng, ra khỏi khu rừng được quy hoạch làm nhà máy. Rõ ràng nếu những con dơi này sống ở Trung Quốc, chúng có thể biến mất chỉ sau một đêm. Thậm chí điều đó vẫn xảy ra nếu đó là những con voi, hay thứ gì khác to lớn hơn.
"May mắn" của Tesla cũng không dừng lại ở đó.
Vào ngày 30/8 năm ngoái, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã bất ngờ ban hành một quy định mới về "Miễn thuế mua xe cho các danh mục mô hình xe năng lượng mới". Và hết sức "ngẫu nhiên", toàn bộ các mô hình xe điện của Tesla đã được đưa vào danh mục, dù nhà máy Tesla Thượng Hải còn chưa hoàn thành.
Rõ ràng là bất kể đất đai, xây dựng, quỹ trợ cấp cho tới chính sách, việc Tesla vào Trung Quốc lần này có cảm giác "mượt như tơ lụa". Việc xây dựng nhà máy Thượng Hải bắt đầu vào ngày 7/1/2019 và lô 15 xe điện đầu tiên được giao vào ngày 30/12 cùng năm.
Elon Musk lúc này, dõng dạc đứng trước công chúng tuyên bố: "Đến cuối năm 2020, tất cả các bộ phận của Model 3 sẽ được bản địa hóa hoàn toàn!"
Tại sao Trung Quốc cần Tesla?
Câu hỏi ở đây là tại sao Trung Quốc lại dành cho Tesla nhiều sự ưu ái đến như vậy?
Đáp án liên quan đến tham vọng công nghệ của Trung Quốc mang tên "Made in China 2025". Nội dung cơ bản của nó là đến năm 2025, Trung Quốc từ một "nước lớn về chế tạo" vươn lên trở thành "cường quốc chế tạo".
Có một vấn đề trong đó, là việc liên kết yếu nhất của Trung Quốc trong chuỗi ngành công nghiệp xe điện chính là sản xuất xe. Điểm yếu này cần phải được khắc phục, nhưng rất khó để tạo ra một chiếc xe hoàn chỉnh. Chính quyền nước này cần sự hỗ trợ và cải tiến trên phạm vi toàn bộ chuỗi công nghiệp.
Vậy phải làm sao? Nhìn lại sự trỗi dậy của các thương hiệu điện thoại di động độc lập của Trung Quốc trong những năm qua, chính quyền nước này muốn áp dụng lại phương pháp đó cho lĩnh vực xe điện.
Bước ngoặt trong quá khứ đó bắt đầu với sự gia nhập của Apple, vào năm 2011. Trước đó, các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do thiếu công nghệ tiên tiến và chuỗi cung ứng hoàn thiện. Nhìn bề ngoài, Apple đã kiếm được hàng trăm triệu USD lợi nhuận khi sử dụng lực lượng lao động giá rẻ và tận dụng một chuỗi cung ứng lành nghề. Nhưng đi cùng với đó là sự thành công và phát triển của một loạt thương hiệu điện thoại di động ở Trung Quốc.
Đầu tiên, Apple đã tổ chức chuỗi cung ứng hoàn thiện cho ngành công nghiệp điện thoại di động ở Trung Quốc, dựa trên khả năng quản lý chuỗi cung ứng mạnh mẽ của riêng mình. Đây là điều mà nhiều năm trước đó Trung Quốc không làm được một cách hiệu quả. Foxconn và nhu cầu thị trường khổng lồ của Trung Quốc, kết hợp với khả năng quản lý của Apple, đã đưa chuỗi cung ứng điện thoại di động của Trung Quốc lên một tầm cao mới. Trong lĩnh vực xe điện, Tesla cũng có thể làm điều tương tự.
Thứ hai, Apple đã tạo ra và nuôi dưỡng rất nhiều nhu cầu về điện thoại thông minh cho thị trường nội địa Trung Quốc. Thông qua sự phổ biến của iPhone, nhu cầu về smartphone ở quốc gia này đã bùng nổ. Các công ty điện thoại khác nhờ đó có cơ hội để phát triển lớn hơn và mạnh hơn, với mục tiêu cuối cùng là thay thế toàn bộ hàng nhập khẩu. Nhờ điều này, giờ Trung Quốc có Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi và một loạt các công ty di động quy mô toàn cầu khác. Nếu Tesla thực sự nội địa hóa tất cả các bộ phận như Elon Musk đã hứa, lợi ích về lâu dài cho các công ty xe điện Trung Quốc sẽ lớn hơn những gì chính quyền nước này đang bỏ ra. Nó giống như sự ra đời của chuỗi cung ứng cho Apple năm xưa.
Thứ ba, đó là quá trình nội địa hóa của Tesla sẽ mang lại vô vàn lợi ích sâu xa cho Trung Quốc. Nếu đào sâu vào các công ty trong chuỗi cung ứng đằng sau siêu nhà máy Tesla, bạn sẽ thấy rằng so với chuỗi công nghiệp của Apple, chuỗi cung ứng cho lĩnh vực ô tô có chiều dài và độ sâu vượt xa so với điện thoại thông minh. Cụ thể, chuỗi cung ứng của nó bao gồm các bộ phận như hệ thống truyền động, hệ thống truyền động điện, hệ thống sạc, khung gầm, thân xe, các bộ phận khác, hệ thống điều khiển trung tâm, nội thất và ngoại thất, bao gồm hơn 100 nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp. Hiện nay, hầu hết các nhà cung cấp công nghệ cốt lõi của Tesla đến từ Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu. Các công ty Trung Quốc mới chỉ tham gia với tư cách là nhà cung cấp nguyên liệu thứ cấp.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Tesla sẽ buộc phải dần thay đổi các công ty lớn trong chuỗi cung ứng của mình sang đối tác Trung Quốc. Tháng 11/2019, công ty đã đạt được thỏa thuận không ràng buộc sơ bộ với Ningde Times, công ty Trung Quốc sẽ cung cấp pin cho nhà máy ở Thượng Hải vào đầu năm 2020. Ngoài ra, Tesla cũng đang xem xét việc chuyển đổi pin từ nhà máy của Panasonic sang nhà máy Nam Kinh của LG và các vật liệu nguồn của nhà máy LG về cơ bản được sản xuất tại Trung Quốc, giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Một số cái tên khác có thể kể tới như Guotai Junan, Zhong ke San huan, Nanshan Aluminium... Đây là dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc đang từng bước bước vào chuỗi cung ứng cốt lõi của Tesla.
Chính quyền Trung Quốc đang muốn "trồng cây" và trái ngọt mà họ muốn hái là tạo ra được các công ty hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp ô tô, cả về cung ứng lẫn sản xuất chế tạo. Do đó, nếu một vài năm nữa, Trung Quốc có những công ty lớn tương tự như Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi trong lĩnh vực ô tô, thì cũng đừng quá ngạc nhiên, bởi nền móng của chúng đã và đang được xây dựng từ ngày hôm nay.