Thị trường hàng không Việt Nam: Chiêu bài của tay chơi ngoại đạo

Những công ty hàng không mới đang đi theo mô hình kinh doanh bay thuê chuyến charter. Trong ảnh: Hãng hàng không Bamboo Airway.

Tham vọng của kẻ ngoại đạo

Vừa chấm dứt hợp tác với AirAsia, CTCP Hàng không Thiên Minh (Thiên Minh Aviation) tiếp tục chi 1.000 tỷ đồng lập hãng hàng không mới.

Động thái này, theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group là làm theo cách khác, phù hợp hơn với điều kiện môi trường và điểm mạnh bản thân. Trong lĩnh vực hàng không, Thiên Minh đã từng thành lập Hải Âu Aviation kinh doanh hàng không.

Cùng với Thiên Minh Aviation, Công ty lữ hành Vietravel cũng đang trong quá trình xin giấy phép hoạt động cho Hãng hàng không Vietravel Airlines.

Nếu Thiên Minh Aviation chọn Hội An (tỉnh Quảng Nam) làm nơi đặt trụ sở chính, thì Vietravel Airlines lại đặt tại Thừa Thiên Huế.

Cả Thiên Minh và Vietravel đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch - lữ hành, do đó việc cả 2 cùng có tham vọng đầu tư vào hàng không là điều dễ hiểu.

Đặc biệt, việc chọn đặt đại bản doanh tại 2 địa phương có nhiều di sản, thắng cảnh đẹp, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước sẽ giúp hai tên tuổi này khai thác tốt các tiềm năng thị trường du lịch nơi đây.

Trước đó, thị trường hàng không Việt đã đón nhận tân binh là kẻ ngoại đạo như Hãng hàng không Bamboo Airways, thuộc Tập đoàn FLC.

Đặc biệt, mới đây Tập đoàn Vingroup thành lập Công ty Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, với hy vọng trở thành hãng vận tải hàng không thứ 6 của Việt Nam. Hiện đơn vị này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề án để được cấp phép.

Vài năm trước, Vingroup đã bắt tay với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để xây dựng các sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay của Vietnam Airlines và cơ sở lưu trú du lịch của Vingroup.

Mảnh đất màu mỡ từ bay thuê chuyến “charter”

Có thể thấy rõ động thái lấn sân của các tên tuổi ngoại đạo vào thị trường hàng không nói trên đang đi theo mô hình kinh doanh “bay thuê nguyên chuyến charter”. Trên thế giới, mô hình này không còn lạ lẫm khi các hãng du lịch thuê riêng chuyến bay để phục vụ hành khách. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình này vẫn còn mới mẻ và là mảnh đất màu mỡ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietravel nhấn mạnh, việc lựa chọn thành lập hãng bay theo mô hình charter sẽ giúp Vietravel tăng khách du lịch mà không tốn nhiều chi phí đầu tư.

Trong năm 2018, Vietravel thực hiện gần 300 chuyến bay charter để vận chuyển hành khách theo hợp đồng thuê bao chuyến với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet và Jestar Pacific. Trong năm 2018, Vietravel đón 852.000 lượt khách, tăng 10% và đạt doanh thu 7.476 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Dự kiến, Công ty đạt 930.000 lượt khách trong năm 2019 để phấn đấu lọt vào top 10 châu Á vào năm 2025.

Dưới góc độ của các công ty lữ hành, việc sử dụng hình thức thuê chuyến bay là cách giúp tiết kiệm chi phí đặt vé hàng không, thay vì hình thức đặt vé thông thường. Hầu hết các công ty du lịch đều cho rằng, cắt giảm chi phí di chuyển từ hình thức bay thuê nguyên chuyến là bước tiến giúp giảm giá vé từ 20 - 30%, tạo cách biệt về giá để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, các công ty lữ hành còn có thể chủ động về điểm đến, cũng như linh hoạt về thời gian, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào lịch trình chuyến bay đã được định sẵn. Đây là lý do khiến việc sử dụng các chặng bay thuê nguyên chuyến trở thành xu hướng mới của ngành du lịch.

Các hãng hàng không cũng nhận thấy những món hời từ mô hình này. Mới đây, Bamboo Airways đã bắt tay với Vietravel để mở đường bay charter đầu tiên tới tỉnh Ibaraki (Nhật Bản).

Cục diện thị trường sẽ tiếp tục có biến động vì các hãng mới ra đời không chỉ nhắm vào phân khúc giá rẻ, mà gần đây, chính sách của Việt Nam đã mở cho tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường hàng không.

Các tân binh ngoại đạo trên thị trường cũng chọn cho mình một chiêu bài để tồn tại. Khác với dịch vụ của các hãng bay thương mại phải duy trì chuyến bay trong mọi hoàn cảnh, các công ty lữ hành như Thiên Minh Aviation, Vietravel sẽ linh động các tuyến bay theo nhu cầu di chuyển của hành khách để tiết giảm chi phí. Đặc biệt, sân bay lớn nhỏ, trong hay ngoài nước không quan trọng, chủ yếu các tuyến ngắn phục vụ các tour lữ hành, những nơi mà các hãng hàng không thương mại khó bay đến vì lượng khách quá nhỏ để thu hồi chi phí. Việc lựa chọn thành lập hãng bay theo mô hình charter sẽ giúp các tên tuổi này tăng khách du lịch, nhưng không tốn chi phí đầu tư nhiều.

Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết hy vọng, Bamboo Airways với 20 tuyến nội địa và có kế hoạch phục vụ tới 40 thành phố quốc tế, sẽ có lãi ngay trong năm 2020. FLC đã báo cáo lợi nhuận ròng đạt 470 tỷ đồng (20,13 triệu USD) vào năm 2018, tăng 22% so với năm 2017. Sau sự ra đời của Bamboo Airways, năm nay, Công ty nâng mục tiêu doanh thu tăng vọt lên 20.000 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 720 tỷ đồng và 570 tỷ đồng.

Ông Quyết cũng hé lộ quân bài chiến lược của hãng trong quá trình chiếm lĩnh thị trường hàng không Việt Nam. Trong đó, ông tự tin có thể cạnh tranh với các hãng hàng không khác bằng cách kết nối đường bay của Hãng giữa các quần thể nghỉ dưỡng có sân golf của mình tại các thành phố ở Việt Nam và Đông Bắc Á. Hiện FLC sở hữu 5 khu nghỉ dưỡng với hệ thống sân golf đẳng cấp quốc tế. Theo đó, FLC có các phòng và gói dịch vụ trọn gói cho hành khách quốc tế. Thậm chí, các hành khách này có thể đến Việt Nam, ở lại và chơi golf miễn phí.

Có thể nói, mô hình kinh doanh bay thuê nguyên chuyến charter gắn liền với tăng trưởng du lịch. Các công ty lữ hành với kinh nghiệm trên thị trường du lịch hứa hẹn sẽ gặt hái được trái ngọt.

Anh Hoa

Theo Đầu tư

Nguồn: Báo Vietnam Finance