Thiếu hụt nhân tài: Yếu tố nào thu hút và giữ chân người lao động?

Người lao động mong muốn có một công việc đem lại nhiều cơ hội học hỏi những kỹ năng mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt nhân tài tăng cao ở mức kỷ lục, thất nghiệp đứng ở mức thấp trong suốt nhiều thập kỷ. Hơn một nửa số công ty trên toàn thế giới không thể tìm được nhân tài mà họ cần, tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với một thập kỷ trước. Trong bối cảnh đó, tiếng nói nhân viên và ứng viên có tầm quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong một thế giới mà nhân tài ngày càng được xem trọng, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Để tìm kiếm, xây dựng và nuôi dưỡng tài năng tốt nhất trong bối cảnh cạnh tranh nhân tài hiện nay, các công ty cần hiểu được nhu cầu và mong muốn của người lao động mà họ tìm kiếm.

Thiếu hụt nhân tài

Theo nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) hồi tháng 1 vừa qua, tình trạng thiếu hụt nhân tài toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ qua.

Có đến 54% công ty do ManpowerGroup khảo sát cho biết họ đang thiếu hụt nhân tài có kỹ năng phù hợp, trong đó các doanh nghiệp tại 36 trong số 44 quốc gia tham gia nghiên cứu cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút nhân tài so với năm 2018. Các chủ doanh nghiệp ở Mỹ (69%), Mexico (52%), Ý (47%) và Tây Ban Nha (41%) đang bị thiếu hụt nhân tài trầm trọng nhất.

Nghiên cứu “Thiếu hụt nhân tài, người lao động quan tâm gì?” của ManpowerGroup đã tiết lộ phần nào những yếu tố thu hút và giữ chân người lao động. Mặc dù những yếu tố mà người lao động quan tâm thay đổi theo vị trí địa lý, giới tính và các giai đoạn khác nhau trong hành trình sự nghiệp, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy sự tự chủ về thời gian và nơi chốn làm việc; sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; sự linh hoạt nghề nghiệp để có thể học hỏi thêm các kỹ năng là ưu tiên hàng đầu. Những yếu tố này quan trọng và không hề thua kém ưu tiên về năng lực lãnh đạo và sự cam kết với mục tiêu đặt ra đối với người lao động.

Ông Jonas Prising, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn ManpowerGroup cho biết: “Từ các cuộc trò chuyện với ứng viên, khách hàng và từ dữ liệu thu thập được, chúng tôi biết rằng người lao động cần một công việc có tính linh hoạt cao và cơ hội học hỏi những kỹ năng mới.”

Theo ông Jonas Prising, việc tạo ra giá trị lợi nhuận chỉ có thể hiện thực hóa khi doanh nghiệp tiến hành song song với việc chăm sóc nhân viên, khách hàng và cộng đồng. Vì vậy việc lắng nghe nhu cầu của nhân tài, cũng chính là đối tượng khách hàng nội bộ, là điều then chốt.

“Trong một thế giới công nghệ đang phát triển vượt bậc như hiện nay, lao động có kỹ năng ngày càng được tìm kiếm hơn bao giờ hết. Việc giúp người lao động thích nghi tốt hơn với những công việc tương lai đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy thích ứng tốt với nhu cầu có kỹ năng cần thiết của người lao động” ông Jonas Prising nói.

Giữ chân nhân tài bằng gì?

Tại Việt Nam, Tập đoàn tuyển dụng nhân sự Navigos Group cũng vừa phát hành báo cáo khảo sát “Những yếu tố người tìm việc quan tâm đối với một thương hiệu tuyển dụng” để hiểu hơn về những mong muốn của người lao động. Báo cáo đã phân tích kết quả khảo sát gần 3.000 người tìm việc thuộc cơ sở dữ liệu của VietnamWorks, trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam.

Thu hút nhân tài đỏi hỏi chủ sử dụng phải hiểu rõ nhu cầu của người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết quả khảo sát về tầm quan trọng của các yếu tố thu hút và giữ chân nhân tài từ góc nhìn của người lao động cho thấy họ kỳ vọng rất lớn vào chất lượng đội ngũ lãnh đạo, điều này quan trọng hơn cả những yếu tố mang đến lợi ích cho nghề nghiệp và cuộc sống của người lao động như: Văn hóa và giá trị cốt lõi; phúc lợi nhân viên; chất lượng công việc cuộc sống; uy tín doanh nghiệp, cơ hội phát triển.

Chân dung đội ngũ lãnh đạo chất lượng được người lao động xác định bởi hai yếu tố quan trọng nhất là tầm nhìn truyền cảm hứng, chiến lược rõ ràng và gắn kết nhân viên tốt. Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng các yêu tố mà người lao động ưu tiên cao nhất đối với nhà tuyển dụng đều liên quan đến phong cách, văn hóa hành xử tại nơi làm việc hơn là các yếu tố liên quan đến tập thể (tinh thần đội nhóm hay sự gắn kết).

Khi đánh giá theo mức độ quan trọng thì 3 điều người lao động kỳ vọng cao nhất trong văn hóa và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp lần lượt là: Công bằng, tôn trọng; đáng tin cậy, rõ ràng; tác phong làm việc chuyên nghiệp. Các yếu tố như được công nhận và khen thưởng; cởi mở thân thiện; tinh thần làm việc đội nhóm; sáng tạo và năng động; đa dạng, gắn kết và hòa nhập đều được xếp sau các yếu tố về phong cách hành xử, đối đãi.

Đặc biệt, người lao động tại Việt Nam đã có cái nhìn thay đổi khá lớn khi đánh giá về phúc lợi của công ty. Vượt qua lương thưởng, bảo hiểm và trợ cấp được người lao động đánh giá là quan trọng nhất trong yếu tố phúc lợi nhân viên.

Các phúc lợi liên quan đến tài chính tuy không còn xếp hạng cao nhất về tầm quan trọng, nhưng vẫn là yếu tố hấp dẫn trong việc thu hút người tìm việc. Mức độ quan trọng về phúc lợi tài chính được xếp hạng lần lượt là: Thu nhập hấp dẫn trong tương lai dẫn đầu; tiếp đến là công việc đảm bảo được ổn định; mức lương cạnhtranh cơ bản; thưởng hấp dẫn và cuối cùng là tăng lương thường xuyên.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành của Công ty Navigos Search, cho hay tương tự như cách xây dựng định vị giá trị thương hiệu trong mắt các khách hàng tiềm năng, quá trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng càng rõ ràng và phù hợp với nhu cầu của người lao động sẽ càng thu hút được nhân tài. Mỗi doanh nghiệp cần xác định những đặc trưng mà doanh nghiệp có thể sử dụng để thu hút và giữ chân nhân tài một cách hiệu quả nhất.

“Các đặc trưng này có thể là các yếu tố hữu hình như lương, thưởng, chế độ đãi ngộ, các chương trình đào tạo-tập huấn-phát triển... hoặc những yếu tố vô hình thuộc về giá trị văn hóa doanh nghiệp như môi trường làm việc ổn định, khả năng lãnh đạo hiệu quả, tính gắn kết nội bộ... Dù mang nhiều điểm chung nhưng đối với mỗi đối tượng khác nhau, các yếu tố này lại được ưu tiên khác nhau khi ứng viên lựa chọn một công ty để ứng tuyển và làm việc lâu dài,” bà Mai nói./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn: Báo VietnamPlus