Tiffany vẫn tiếp tục ở lại và đầu tư tại thị trường Trung Quốc

Tiffany vẫn tiếp tục ở lại và đầu tư tại thị trường Trung Quốc

Dù cho kinh tế Trung Quốc gần đây tăng trưởng chậm lại, ông Alessandro Bogliolo, CEO của Tiffany vẫn cảm thấy lạc quan với thị trường này. Thực tế trong hai năm qua, Trung Quốc là một điểm sáng trong hoạt động của Tiffany.

Cơ sở vững chắc

Theo ông Bogliolo, công ty thâm nhập thị trường Trung Quốc đại lục từ năm 2001 và bắt đầu xây dựng mạng lưới bán lẻ tại quốc gia này 6 năm sau đó. Kể từ năm 2017, Bogliolo đã khai trương một số cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, cho sản xuất những loại trang sức lấy ý tưởng từ các thiết kế Trung Quốc, xây dựng nền tảng mua bán trực tuyến bằng tiếng Hoa, cũng như trang hoàng lại cửa hàng flagship của Tiffany tại Thượng Hải. Nhờ đó, quy mô của cửa hàng đã tăng gấp đôi và trở thành cửa hàng lớn nhất của Tiffany tại châu Á.

Ông Bogliolo cũng đã có mặt tại lễ khai trương cửa hàng Tiffany Thượng Hải. Trong khi trả lời phỏng vấn trang CNN Business, tay Bogliolo nâng niu một chiếc nhẫn kim cương 9-cara sáng bóng. Đây chỉ là một trong những sản phẩm trang sức cao cấp mà Tiffany đang bán tại Trung Quốc. Những sản phẩm trang sức như thế này có giá từ 100.000 USD đến hàng chục triệu USD.

Những khách hàng Trung Quốc chiếm 1/3 thị phần mặt hàng xa xỉ trên thế giới. Cụ thể, theo hãng tư vấn McKinsey, năm ngoái, người dân Trung Quốc đã chi đến 115 tỷ USD cho các mặt hàng này. Trước đây, khách hàng Trung Quốc thường ra nước ngoài để mua sắm các mặt hàng xa xỉ, nhưng gần đây, thói quen này đang dần thay đổi do chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng này. Ngoài ra, theo hãng tư vấn Bain và công ty nghiên cứu Bernstein, các nhãn hàng cũng đã giảm giá các mặt hàng tại Trung Quốc, do đó, các khách hàng Trung Quốc không cần phải đi đến Hong Kong hay các thành phố khác để mua sắm xa xỉ phẩm.

“Vào năm 2018, 27% khách hàng Trung Quốc mua sắm các mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc, tăng 4% so với năm 2015,” theo thống kê của hãng tư vấn Bain. “Chúng tôi hy vọng con số này sẽ tăng lên 50% vào năm 2025".

Quyết tâm phát triển

Lần này, Tiffany đã bắt đầu giới thiệu những sản phẩm cao cấp nhất tại Trung Quốc. Ông Bogliolo nói: “Với mục đích thu hút những khách hàng lớn, những sản phẩm cao cấp trước đây chỉ được mang đến Trung Quốc để trưng bày và triển lãm, thì nay đã được bán tại cửa hàng flagship của Tiffany tại Thượng Hải”.

Tiffany cũng đang cố gắng thu hút bộ phận khách hàng Trung Quốc trẻ tuổi bằng việc mở một tiệm cà phê mang tên Blue Box cafe tại cửa hàng Thượng Hải.

“80% lượng khách hàng mua những mặt hàng xa xỉ là những người thuộc thế hệ Millennials (thế hệ công nghệ gồm những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000)”, ông Bogliolo nói. “Tôi thực sự mong muốn mang đến Thượng Hải… những trải nghiệm tuyệt vời mà trước đây các khách hàng chỉ có thể cảm nhận được ở New York”.

Đây là thời điểm thích hợp để Tiffany mở rộng công việc kinh doanh tại Trung Quốc đại lục. Giống như nhiều công ty khác, Tiffany chịu tác động từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Hong Kong kéo dài hơn 6 tháng nay. Sự kiện này đã làm tổn thương nền kinh tế và khiến cho việc kinh doanh bán lẻ của các nhãn hàng giảm sút rõ rệt.

Tuy vậy, theo ông Bogliolo, “chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược tại thị trường Hong Kong. Hong Kong từ lâu đã là một trong những thủ phủ hàng xa xỉ của thế giới, và tôi nghĩ rằng Hong Kong vẫn sẽ luôn là như vậy".

Bằng chứng là Tiffany gần đây đã “đầu tư rất lớn” cho cửa hàng flagship ở Hong Kong, một trong những cửa hàng lớn nhất của công ty này trong khu vực.

Tiffany cũng cần phải thay đổi chính mình. Vào tháng trước, tập đoàn LVMH đã mua lại Tiffany với giá 16,2 tỷ USD, một trong những thương vụ sáp nhất lớn nhất trong lĩnh vực xa xỉ phẩm. Thương vụ được cho là sẽ hoàn thành vào năm tới.

Thương vụ lịch sử này là “một tín hiệu tốt” cho thấy Tiffany có chiến lược kinh doanh đúng đắn, ông Bogliolo nói.

Châu Khánh Tâm

(theo CNN)

Nguồn: Báo TG&VN