Tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít (Bình Định): Bài 2: Cần làm rõ trách nhiệm của các bên

'Sau khi có ý kiến của lãnh đạo tỉnh, Sở Xây dựng yêu cầu Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra quá trình triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Theo đó, Thanh tra Sở đã đình chỉ xây dựng và đề nghị chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp Chính và khuôn viên tháp Chính, đồng thời đưa máy móc thiết bị ra khỏi vị trí thi công'.

Tại chân tháp Cổng, muốn có “mặt bằng đẹp” chủ đầu tư cho máy múc san gạt, phát quang cây bụi để trồng cỏ và tạo độ thông thoáng, không vướng đến tầm nhìn

Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Văn Hóa.

Cho thanh tra việc xây dựng

Sau buổi làm việc với lãnh đạo Sở VHTT Bình Định, chúng tôi đã trực tiếp liên lạc và được ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Trước khi diễn ra tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít, tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát trong đó đề nghị Sở VHTT khi triển xây dựng không được đưa xe cơ giới tiến hành san gạt mặt bằng tại các chân tháp.

Cung cấp các hình ảnh, tư liệu mà phóng viên thu thập tại dự án, ông Giang nói rõ: “UBND tỉnh không có chủ trương để Sở VHTT đưa xe cơ giới lên san gạt mặt bằng tại vùng lõi di tích tháp Bánh Ít. Làm như vậy là không đúng với văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL”. Trước câu hỏi “những hiện vật gạch cổ tại di tích tháp Bánh Ít được bóc lên, sau đó được chủ đầu tư tự ý xây lại tại các hạng mục công trình khác sẽ được xử lý thế nào”, ông Giang nhấn mạnh: “Tôi sẽ chỉ đạo cho Sở Xây dựng thanh tra việc xây dựng tại dự án di tích tháp Bánh Ít”.

Sau chỉ đạo “nóng” của lãnh đạo tỉnh, Sở Xây dựng đã yêu cầu Thanh tra Sở cùng phối hợp với đại diện chủ đầu tư, các cơ quan liên quan kiểm tra quá trình triển khai dự án tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít. Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định thông tin: Tại buổi kiểm tra, lực lượng thanh tra phát hiện tại hạng mục sân trước phía tháp Chính đang san gạt, vệ sinh bụi cây làm mặt bằng bằng phương tiện cơ giới xe máy đào; đang thi công xây dựng bó vỉa sân phía trước tháp Chính; đang thi công bó vỉa xung quanh khuôn viên tháp Chính với chiều dài khoảng 120m, chiều cao 0,3m...

Ông Bảo xác nhận, “Thanh tra Sở đã đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp Chính và khuôn viên tháp Chính bằng cơ giới cũng như đưa máy móc thiết bị ra khỏi khu vực thi công. Ngoài ra, theo dự toán đã được thẩm tra của Sở Xây dựng thì phần khối lượng đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay. Trong quá trình thi công tiếp theo phải thi công xây dựng đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt và có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng của di tích”.

Về hồ sơ pháp lý của dự án, ông Bảo cho hay đã yêu cầu Sở VHTT Bình Định và các đơn vị liên quan cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thi công xây dựng công trình và công tác an toàn lao động trên công trường để cơ quan chức năng kiểm tra theo dõi.

Một vị trí trong vùng bất khả xâm phạm của tháp Chính (thuộc quần thể tháp Bánh Ít) bị chủ đầu tư cho xe cơ giới đào xới không thương tiếc

Phải làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư

Theo hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia tháp Bánh Ít, khu vực bảo vệ I di tích (vùng bất khả xâm phạm) có diện tích 12.000 m2. Trong khu vực này cấm mọi sự xây dựng hoặc vi phạm. Không một tổ chức hoặc cá nhân nào tự ý tháo dỡ, thay đổi vị trí và làm hư hại, giảm giá trị vốn có của di tích, toàn bộ các di tích, di vật có trên thửa đất bao gồm phần đồi có 4 tháp và kiến trúc tổng thể, không gian khuôn viên.

Trao đổi với phóng viên, TS Đinh Bá Hòa, chuyên gia về di sản, khảo cổ cho rằng, việc cho xe cơ giới lên san gạt mặt bằng tại các chân tháp là xâm hại nghiêm trọng đến cảnh quan quần thể di tích quốc gia tháp Bánh Ít. Việc tác động san gạt bằng xe cơ giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiện trạng di tích, thậm chí có khả năng làm sụp đổ các tháp dưới tác động của lực cơ giới. Ông Hòa chia sẻ, Sở VHTT Bình Định là cơ quan quản lý nhà nước về di sản cũng là chủ đầu tư dự án, chẳng lẽ không nắm rõ về các văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích, sao lại cho xe cơ giới san gạt như vậy.

Nhắc lại câu chuyện quá khứ nhiều lần di tích quốc gia tháp Bánh Ít bị xâm hại nghiêm trọng bởi các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có việc Giám đốc Sở Du lịch Bình Định bị xử lý đến cách chức vì tự tiện san ủi mặt bằng để mở đường trong khu vực bảo vệ di tích, ông Hòa thẳng thắn đề nghị: “Phải dừng ngay việc san gạt mặt bằng bằng phương tiện xe cơ giới để bảo vệ hiện trạng khu vực của di tích. Đồng thời, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Bình Định cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, cụ thể là người đứng đầu Sở VHTT Bình Định đã chỉ đạo thực hiện sai thỏa thuận của Bộ VHTTDL”. Ông Hòa còn chỉ rõ, trong biên bản kiểm tra dự án của Thanh tra Sở Xây dựng không thấy “bóng dáng” cơ quan chuyên môn của Bảo tàng tỉnh và Thanh tra Sở VHTT, mà chỉ thấy một chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính (thuộc Sở VHTT ). Kiểm tra một dự án tu bổ, tôn tạo di tích như thế sẽ không khách quan và không đánh giá hết được mức độ di tích bị xâm hại từ việc san gạt bằng xe cơ giới trong vùng lõi di tích quốc gia.

Qua hình ảnh của phóng viên cung cấp ghi nhận tại hiện trường của một dự án tu bổ, tôn tạo, ông Hòa chia sẻ: Xưa kia khi xây dựng tháp, người Chăm đã xử lý rồi nên đến giờ không có sạt lở, vì thế trong khu vực I di tích nên hạn chế đào múc và xây dựng. Đáng lý trong quá trình thi công, phải có cán bộ chuyên môn của Bảo tàng tỉnh trong việc giám sát xây dựng tại tháp Bánh Ít. Như vậy sẽ kiểm soát, hạn chế khu vực bảo vệ I di tích bị xâm hại từ việc san gạt, đào bóc của xe cơ giới.

Đề nghị Bình Định có giải pháp bảo vệ, không ảnh hưởng đến di tích gốc

Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) vừa có công văn số 157/DSVH-DT gửi Sở VHTT Bình Định, đề nghị đơn vị cần có giải pháp bảo vệ, không ảnh hưởng đến di tích gốc. Theo đó, Cục Di sản văn hóa nhận được thông tin phản ánh về việc thi công tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định) có sử dụng xe cơ giới để san gạt mặt bằng, một số vị trí thi công chưa đảm bảo nội dung đã được Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa thẩm định, thỏa thuận.

Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích, căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường - sinh thái của di tích; đồng thời gửi báo cáo về Bộ VHTTDL trước ngày 11.3

Tháp Bánh Ít là di tích kiến trúc nghệ thuật Champa, có niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII. Tháp còn có tên gọi là tháp Bạc, tháp Thiện Mẫu, tháp Thị Thiện, Thổ Sơn Cổ tháp... Tháp được xây dựng trên một ngọn đồi cao nằm giữa hai nhánh sông Kôn, cách TP Quy Nhơn khoảng chừng 20 km. Nghệ thuật kiến trúc tháp Bánh Ít tiêu biểu cho giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định, kết hợp hài hòa vẻ đẹp của hai xu thế: nhịp nhàng, trang nhã và khỏe khoắn, hoành tráng của kiến trúc Champa”.

Nguồn: http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/50972/tu-bo-ton-tao-di-tich-thap-banh-it160binh-dinh-bai-2-can-lam-ro-trach-nhiem-cua-cac-ben