Chứng khoán vẫn tốt trong dài hạn

Các chuyên gia nhìn nhận lúc này khó ai đoán được đáy của thị trường chứng khoán nhưng họ tin rằng sau những cú sập là những cú hồi và tăng trưởng

Sau nhiều tuần liên tục "gồng lỗ", nhà đầu tư cá nhân đã không còn giữ được bình tĩnh khi chứng kiến thị trường chứng khoán ngày 25-4 giảm tới hơn 80 điểm - mức giảm chưa từng có của VN-Index, các chỉ số khác cũng giảm sâu và cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn hàng loạt.

Giảm mạnh

Dù dòng tiền "bắt đáy" xuất hiện vào cuối phiên giúp chặn đà rơi của thị trường chung nhưng VN-Index vẫn mất tới 68,31 điểm, tương ứng giảm 4,95% và đóng cửa ở 1.310,92 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất của chỉ số này kể từ ngày 30-7-2021 và mất hơn 220 điểm kể từ khi VN-Index lập đỉnh trên 1.530 điểm hồi đầu năm. Toàn sàn HoSE chỉ có 37 mã tăng giá, 443 mã giảm (176 mã giảm sàn) và 21 mã đứng giá. Vốn hóa sàn này bốc hơi 270.000 tỉ đồng, tương ứng 11,7 tỉ USD.

Nhà đầu tư thua lỗ ngày càng nặng sau phiên lao dốc của thị trường ngày 25-4 .Ảnh: SƠN NHUNG

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 21,61 điểm (-6,02%), xuống 337,51 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 193 mã giảm (53 mã giảm sàn) và 33 mã đứng giá. Còn sàn UpCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng mất tới 4,61 điểm (-4,43%), xuống 99,54 điểm.

Tổng giá trị khớp lệnh trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM đạt 22.228 tỉ đồng, giảm 16%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 15%, chỉ còn 19.576 tỉ đồng. Điểm sáng là khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 200 tỉ đồng ở sàn HoSE.

Trên các hội, nhóm về chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân lẫn nhân viên tư vấn đều bàn luận vì sao thị trường lại sụt giảm mạnh đến vậy sau khi đà mất hàng trăm điểm vào tuần trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số chuyên gia chứng khoán nhận định việc thị trường giảm mạnh chỉ có thể lý giải là do tâm lý chán nản của nhà đầu tư. "Dòng tiền hạn hẹp, tài khoản âm 30%-40%, dùng margin (vay công ty chứng khoán) thì bị bán giải chấp, bán cắt lỗ xong lại không dám mua lại khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý buông xuôi, chỉ muốn bán cắt lỗ cho xong chứ không ai còn hào hứng tham gia thị trường lúc này" - một chuyên gia nhận xét.

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư bị các công ty chứng khoán yêu cầu bán ra, trả tài khoản về tỉ lệ an toàn vì đã dùng đòn bẩy để "bắt đáy" cổ phiếu ở vài phiên trước đó nhưng giá chứng khoán không lên mà giảm sâu. Một nhà đầu tư nhà ở quận 7, TP HCM cho biết ông vừa bán hết cổ phiếu trong tài khoản vì bị công ty chứng khoán "call margin" (yêu cầu nạp thêm tiền để bù lỗ khoản vay - PV) sau khi giá cổ phiếu mà ông nắm giữ giảm dưới ngưỡng an toàn. "Tôi bỏ ra 3 tỉ đồng, vay thêm của công ty chứng khoán "bắt đáy" cổ phiếu nhưng thị trường liên tục giảm khiến tài khoản của tôi gần như bay sạch. Càng mua càng giảm, "bắt đáy" lại thành "bắt dao rơi" nên thua lỗ càng lớn" - nhà đầu tư này bày tỏ.

Một chuyên gia chứng khoán nhận định đà giảm của thị trường hôm 25-4 có thể xem là thái quá khi cổ phiếu lớn - nhỏ, tốt - xấu đều bị bán "bất chấp" nhưng do không có dòng tiền vào đỡ giá nên dù lượng cung không quá lớn thì giá cổ phiếu vẫn rớt sàn hàng loạt. "Hiện tại thị trường đang phá bỏ tất cả phân tích cơ bản lẫn phân tích kỹ thuật, mà phụ thuộc phần lớn vào tâm lý của nhà đầu tư vì càng lo sợ họ càng bán mạnh" - chuyên gia này bày tỏ.

Sẽ hồi phục

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng trong đợt giảm giá mạnh này, không chỉ những nhóm có liên quan trực diện đến các thông tin xấu như nhóm cổ phiếu đầu cơ, bất động sản mà ngay cả cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt cũng bị bán giá sàn. "Trong một vài thời điểm, cổ phiếu có thể tạo ra sự tăng/giảm bất xứng nhưng trong chu kỳ dài hơn sẽ có xu hướng cân bằng trở lại. Một khi độ chênh giữa thị trường và giá mặt bằng chung quá lớn, việc bán tháo giá sàn là có thể xảy ra. Chứng khoán năm nay không còn là nơi đồng tiền dễ dãi có thể kiếm được. Sẽ có nhiều nhà đầu tư mới rời thị trường và một bộ phận dòng tiền cũng sẽ được rút ra để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác" - ông Điệp nói.

Dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt trong dài hạn. Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nói trong phiên giao dịch đầu tuần, một số cổ phiếu "kim cương" trong rổ VN30 cũng bị giảm sàn, thị trường đỏ rực khi mất gần 70 điểm khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, về dài hạn, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt, với mức sinh lời bình quân cao hơn gửi tiết kiệm từ 20%-30% và có tính thanh khoản cao.

Nhìn lại quá khứ, thị trường chứng khoán các nước Đông Nam Á đã chứng kiến 2 lần cực kỳ tồi tệ với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng nếu tính bình quân, mức sinh lời hằng năm của kênh đầu tư này vẫn vượt trội so với gửi ngân hàng, như thị trường Philippines tăng 10% và Indonesia tăng 13,6%...

"Chứng khoán Việt Nam cũng gặp 2 lần khủng hoảng nặng nhưng mức sinh lời bình quân giai đoạn 2000 - 2014 vẫn đạt khoảng 12%/năm. Ngay cả đợt điều chỉnh trong tháng 4-2022 này, nếu thị trường giảm về 1.200 điểm và phục hồi, mức tăng bình quân hằng năm vẫn là 12,56% - một mức tăng quá tốt so với thị trường các nước và so với gửi tiết kiệm" - TS Đinh Thế Hiển nói và cho rằng nếu nhà đầu tư không "lướt sóng" để kiếm lợi nhuận cao mà đầu tư vào những cổ phiếu nền tảng tốt hoặc phân bổ danh mục vào các quỹ mở thì vẫn tốt hơn gửi tiết kiệm.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh thống kê từ năm 2020 đến nay, thị trường chứng khoán có 4 lần giảm mạnh. Trong đó, lần giảm mạnh nhất là 33,51% vào đầu năm 2020 khi VN-Index rơi từ mức 991,46 điểm về 659,21. Cú "sập" khiến thị trường mất 10 tháng mới trở về mốc cũ, sau đó bật tăng mạnh. Đến tháng 1-2021, thị trường lại giảm khoảng 12% nhưng chỉ mất 1 tháng để hồi phục và vượt đỉnh cũ. Tháng 7-2021, thị trường lại mất khoảng 11% và hồi phục sau 2 tháng, rồi tiến thẳng lên 1.500 điểm vào cuối năm.

Hiện tại, cú "sập" của VN-Index từ đỉnh 1.524,7 điểm ngày 4-4 đến nay, tương ứng 14,66% nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tạo đáy. "Không ai có thể dự báo thị trường trong giai đoạn này, cũng không chắc là thị trường giảm bao nhiêu nữa thì dừng nhưng tôi chắc chắn là sau những cú "sập" là những cú "hồi" và tăng trưởng tiếp trong dài hạn nhờ vào giá trị của các doanh nghiệp tốt. Mọi người nên hạn chế "lướt sóng" vì rất rủi ro.

Nếu "lướt sóng" thì tránh xa những cổ phiếu đầu cơ hoặc có dấu hiệu thao túng…, đồng thời hạn chế dùng margin vì rất dễ "cháy" tài khoản. Hãy luôn tuân thủ chốt lời, cắt lỗ và đừng "bắt đáy", vì khó biết đáy ở đâu. Tuy nhiên, tôi tin chắc là hiện tại đã có nhiều cổ phiếu mà giá trị đã giảm xa giá trị thực. Nhà đầu tư dài hạn có thể chọn lọc để mua từ từ. Giá cổ phiếu rồi sẽ phục hồi để thể hiện giá trị doanh nghiệp" - ông Lâm Minh Chánh khuyến nghị.

Theo Công ty Chứng khoán MBS, với việc khối ngoại vẫn duy trì mạch mua ròng trong 4-5 tuần vừa qua thì các nhịp giảm vẫn là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn như các tổ chức. Còn với nhà đầu tư ngắn hạn, không nên trung bình giá, hạn chế sử dụng margin và thông thường sau các phiên giảm sâu, thị trường sẽ có nhịp hồi phục kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu danh mục hoặc giảm tỉ trọng cổ phiếu.

Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/chung-khoan-van-tot-trong-dai-han-20220425225118199.htm