Đức sẽ phạt 110 USD nếu siêu thị cung cấp túi nhựa cho khách hàng

(Nguồn: dw.com)

Bộ Môi trường Đức ngày 6/9 thông báo nước này có kế hoạch cấm túi nhựa sử dụng một lần từ năm 2020, như một phần của phong trào đang ngày càng lan rộng trên thế giới để chống lại tình trạng ô nhiễm toàn cầu.

Theo truyền thông Đức, nếu kế hoạch này được luật hóa và dự kiến có hiệu lực trong nửa đầu năm tới, các siêu thị và các nhà bán lẻ sẽ không được cung cấp túi nhựa khi thanh toán cho khách hàng, bao gồm cả những loại túi được quảng cáo là có thể phân hủy sinh học hoặc được sản xuất từ các nguồn tái tạo thay vì dầu mỏ.

Theo kế hoạch, các nhà bán lẻ sẽ có thời gian chuyển đổi kéo dài sáu tháng để giảm bớt số túi nhựa còn lại trong kho dự trữ trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực. Nếu vi phạm, các nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với số tiền phạt lên tới 100.000 euro (110.000 USD).

Tuy nhiên, lệnh cấm không bao gồm các túi nhựa xé loại mỏng thường thấy ở các quầy rau quả tại các siêu thị.

Bộ Môi trường Đức cho biết nếu cấm loại túi này, họ lo ngại chúng sẽ khiến người nông dân tự đóng gói trái cây và rau xanh số lượng lớn bằng các túi nhựa, qua đó dẫn đến lãng phí thực phẩm nhiều hơn.

Động thái này của Chính phủ Đức được đưa ra sau khi ngành bán lẻ nước này đưa ra cam kết tự nguyện không cung cấp túi nhựa miễn phí cho người tiêu dùng kể từ năm 2016.

Cam kết trên đã giúp giảm mức sử dụng túi nhựa của người Đức từ 68 túi nhựa/người xuống còn 24 túi/người vào năm ngoái, vượt xa mức mục tiêu 40 túi/người mà Liên minh châu Âu (EU) đề ra cho tới năm 2025.

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt ở khu vực sông hồ và đại dương, là một mối nguy hiểm lớn đối với hệ sinh thái. Rác thải nhựa sẽ làm tổn thương hoặc giết chết sinh vật biển, làm ô nhiễm các bãi biển và tạo ra những mảng bám rác khổng lồ nổi trên đại dương.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, do quá trình phân hủy nhựa diễn ra từ từ, các hạt nhựa vi mô sẽ xâm nhập vào chuỗi thức ăn và kết thúc ở con người.

Giới khoa học đã trích dẫn những nghiên cứu mới đây cho thấy dấu vết độc hại của nhựa trong chất thải của con người ở cả châu Âu lẫn châu Á./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: Báo VietnamPlus